Chủ tịch G7: Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đổ bể
Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Italia Giancarlo Giorgetti gặp gỡ báo giới vào ngày 23/5/2024, một ngày trước Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 tại Stresa, Italia. Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italia Giancarlo Giorgetti tiết lộ thông tin trên trước khi Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 bắt đầu tại Stresa, Italia vào ngày 24/5.
Bộ trưởng Giancarlo Giorgetti, người chủ trì hội nghị khi Italia giữ chức Chủ tịch G7 năm nay, nói rằng Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc đều dè dặt đối với các điều khoản của thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu.
Trụ cột thứ nhất của thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu chủ yếu nhắm vào các “gã khổng lồ” công nghệ số có trụ sở tại Mỹ, với mục đích phân bổ lại quyền đánh thuế đối với khoảng 200 tỷ USD lợi nhuận mà các công ty này kiếm được tại các quốc gia nơi họ kinh doanh.
Phát biểu với các phóng viên tại Stresa, miền bắc Italy, Bộ trưởng Giorgetti cho biết thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không được phê chuẩn bởi tất cả các quốc gia dự kiến tham gia hội nghị ký kết đa phương vào tháng tới.
“Công việc đó sẽ không được hoàn thành, đây không phải là điều tốt”, Bộ trưởng Giorgetti nói thêm.
Tuần trước, Italia cho biết sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán cuối cùng để ngăn chặn kế hoạch thất bại.
Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu được kỳ vọng có thể giúp giải quyết tranh chấp, trong đó Mỹ đe dọa áp thuế trả đũa đối với các nước châu Âu, chẳng hạn như Italia, nơi đã công bố hoặc áp dụng thuế kỹ thuật số trong nước.
Cơ quan thương mại Mỹ đe dọa áp thuế 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá hơn 2 tỷ USD từ Italia, Áo, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, từ mỹ phẩm đến túi xách.
Trong khi đó, một quan chức Italia nói với Reuters hôm 24/5 rằng Italia muốn đàm phán một thỏa thuận với Washington để ngăn chặn các mức thuế trả đũa, vốn đang tạm thời bị đóng băng cho đến tháng 6.
Quan chức này cho biết thêm, chính phủ Italia muốn vận động các nước châu Âu khác vào cuộc đàm phán với Washington, vì Rome tin rằng cách tiếp cận chung ở cấp Liên minh châu Âu (EU) sẽ hiệu quả hơn.
Italia đã áp dụng mức thuế 3% vào năm 2019 đối với doanh thu từ giao dịch internet đối với các công ty kỹ thuật số có doanh thu ít nhất 750 triệu EUR, trong đó ít nhất 5,5 triệu EUR phát sinh ở thị trường Italia. Kết quả là Rome đã thu thuế được khoảng 390 triệu EUR (tương 422 triệu USD) vào năm 2022.
Trong khi trụ cột đầu tiên của thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu đang bị tắc nghẽn, thì các quốc gia vẫn đang áp dụng trụ cột thứ hai của thỏa thuận. Theo đó, việc áp thuế theo trụ cột thứ hai nhằm đảm bảo các công ty có doanh thu lớn hơn 750 triệu EUR (tương đương 820,65 triệu USD) phải trả mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, bằng cách cho phép chính phủ áp dụng thuế bổ sung đối với doanh thu kiếm được ở các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn.
Mặc dù trụ cột thứ hai vẫn đang được triển khai, nhưng các kế hoạch phân phối lại quyền đánh thuế đã cho thấy chúng phức tạp hơn dự đoán ban đầu bởi vì chính phủ Mỹ gặp khó khăn khi trình lên Quốc hội phê chuẩn.