1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Không thể chỉ dựa vào một vài động lực tăng trưởng
Phạm Nguyễn 6 tháng trước

Không thể chỉ dựa vào một vài động lực tăng trưởng

PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thời gian vừa qua và cả hiện tại là xuất nhập khẩu và đầu tư công.

Theo ông, những động lực này dù còn dư địa, nhưng dần sẽ không thể đóng góp quá nhiều cho tăng trưởng nhanh, bởi vậy, nền kinh tế không thể chỉ dựa vào một vài động lực tăng trưởng.

PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, trong các nhiệm vụ cần phải làm để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế mà Chính phủ báo cáo Quốc hội, có yêu cầu trọng tâm là “làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới”. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, nếu đạt được, sẽ tạo bước tăng trưởng bứt phá ngay trong năm nay. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Đây là việc phải làm. Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ cần đi sâu rà soát động lực cũ, nhận diện cơ hội khai thác động lực mới. Cơ hội để làm mới, để khai thác đang có, nhưng phải thẳng thắn là không dễ dàng, không có nhiều thời gian.

Vài năm qua, chúng ta nói nhiều về bệ đỡ cho tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư công và năm nay thêm cả sự khởi sắc của khu vực FDI. Nhưng nền kinh tế không thể chỉ phụ thuộc vào một vài động lực và cũng không thể phụ thuộc vào khu vực FDI.

Động lực từ đầu tư công là quan trọng, nhưng chủ yếu tập trung cho hạ tầng và chỉ là vốn mồi, còn đầu tư tư nhân mới quan trọng trong đóng góp vào tăng trưởng. Đầu tư tư nhân đã khởi sắc hơn năm ngoái, nhưng đang rất có nhiều vấn đề về động lực, về sức khỏe, niềm tin. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ già hóa dân số đang tác động rất lớn tới thị trường nội địa chưa được làm rõ, trong khi động lực từ tiêu dùng nội địa giảm mạnh.

Đặc biệt, các nền kinh tế khác đang đi rất nhanh tới kinh tế số, kinh tế xanh và nhiều chuyển dịch khác. Trong khu vực, Singapore đã khởi xướng Hiệp định Đối tác kinh tế số (DEPA) cùng với Chile và New Zealand từ năm 2021. Hàn Quốc vừa trở thành thành viên thứ tư của hiệp định này vào đầu tháng 5/2024. Trung Quốc và Canada cũng đang tiến hành quy trình chính thức cho việc gia nhập DEPA, còn Costa Rica và Peru đã gửi yêu cầu chính thức để gia nhập…

Tôi vừa dự một hội nghị của ASEAN vào đầu tháng 5, khả năng hình thành thị trường chung ASEAN – Trung Quốc đang được bàn tới.

Thời điểm này, cơ hội đang mở ra cho những người đi nhanh, cho đổi mới, sáng tạo… Đó chính là động lực mới cho tăng trưởng. Câu hỏi là, Việt Nam đang ở đâu và đang hành động gì trong sự chuyển dịch rất nhanh này. Đây là điều mà tôi chờ đợi Quốc hội, Chính phủ bàn sâu, để có giải pháp cụ thể, kịp thời.

“Việt Nam cần hành động gì”, câu trả lời của ông thế nào?

Quan điểm của tôi là Việt Nam nên đi nhanh, rà soát các động lực, nhưng nhìn ra bên ngoài nhiều hơn, để thấy cả cơ hội và áp lực.

Các nền kinh tế trên thế giới cũng đang đi tìm động lực tăng trưởng mới, cũng đang nhìn thấy những vấn đề phức tạp, không thuận lợi của bối cảnh kinh tế, địa chính trị hiện tại, nhưng cũng có nhiều cơ hội từ các sáng kiến của cộng đồng xung quanh.

Đặc biệt, thế giới đang đi vào sự hội tụ, khi các nền kinh tế đi trước đang chậm dần do sự nặng nề của thủ tục, quy chuẩn truyền thống, các nền kinh tế đi sau đang đi nhanh, thậm chí vượt lên trên nhờ công nghệ, đổi mới, sáng tạo…

Sự hội tụ này là cơ hội của chúng ta, của các nền kinh tế đang phát triển, thậm chí là thời điểm vàng. Lúc này, rất cần giải phóng các nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, để họ tham gia, khai thác các cơ hội mới. Lúc này, cần thể chế đi trước, mở đường, thể chế ổn định, minh bạch, mang tính hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo, bệ đỡ cho những người dũng cảm, dám làm khác, làm mới…

Tuy nhiên, các báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội cho thấy, khó có đột phá trong các động lực tăng trưởng trong năm nay, thậm chí khu vực tư nhân đang hụt hơi?

Các dự báo kinh tế năm nay, năm sau đều đang cho thấy khó có sự đột phá, nhưng đó là điều cần phải thảo luận rất sâu sắc. Vì nhiệm kỳ này không đạt được các mục tiêu tăng trưởng, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu của nhiệm kỳ tới.

Nhiều cảnh báo đáng lo ngại đã được đưa ra.

Nhưng tôi muốn nói đến vấn đề cấp bách hơn, cần bàn thảo kỹ càng hơn, đó là vấn đề niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh. Các doanh nghiệp chưa thấy đột phá mạnh mẽ. Họ chưa thấy rõ hiệu quả của thể chế Nhà nước đi cùng với doanh nghiệp, kiến tạo thể chế, kiến tạo môi trường thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh…, thì sẽ không đầu tư, càng không đổi mới, sáng tạo…

Nếu doanh nghiệp vẫn lo lắng, e ngại, thậm chí sợ hãi vì không biết có được thử sai không, những quyết định đầu tư mới có thể chế phù hợp không, có sợ bị sai phạm không, có cơ chế thí điểm, thể chế cho các mô hình mới không…, thì còn khó tăng trưởng.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh là, chỉ có đầu tư của doanh nghiệp mới tạo nên giá trị, tạo tăng trưởng, vì đầu tư công là dẫn dắt, vốn mồi, chứ không thể chi phối. Đặt trong bối cảnh động lực tăng trưởng truyền thống đang hết đà để thấy vai trò của thể chế mở đường, đúng như các nghị quyết của Trung ương đã xác định: đổi mới thể chế chính là một động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng.

Và đó là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, thưa ông?

Thể chế này cần có chủ trương của Đảng, Quốc hội luật hóa để Chính phủ thực thi. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần xác định rõ, động lực mới, cách làm mới thì không thể dựa vào thể chế cũ. “Chiếc áo” thể chế phải mới, cần thay đổi để phù hợp, thích nghi với điều kiện mới. Nhưng để tạo lập thể chế mới, cần tư duy dám đổi mới của những người quyết định thể chế, chính sách mới.

Cùng với đó, cần tư duy dám đổi mới trong giám sát, thực thi. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta có tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch hành động sớm, tốt, nhưng năng lực thực thi, điều hành ở các cấp và năng lực kết hợp, phối hợp còn nhiều vấn đề. Nền kinh tế không thể tăng trưởng với “bệnh kinh niên” là kém hiệu quả thực thi.

3 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud