AI là cơ hội và thách thức lớn với giáo dục Việt Nam
AI làm thay đổi sâu sắc đến nền giáo dục
Ngày thứ hai của Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương, nội dung liên quan đến AI có tác động, ảnh hưởng đến giáo dục được đặc biệt quan tâm và đưa ra bàn luận.
Phát biểu chào mừng hơn 500 đại biểu đến từ các nước khác nhau trên thế giới, ông Ren Varma, Trưởng nhóm Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) khu vực Đông Nam Á cho biết: “Chúng ta hướng đến một tương lai đổi mới và sáng tạo, trong đó phải chấp nhận thực tế AI đang tác động rất lớn. Điều này đang tạo ra bối cảnh ngày càng phát triển bao gồm cơ hội và thách thức mới, đặc biệt là với ngành giáo dục”.
Ông Ren Varma, Trưởng nhóm ACCA khu vực Đông Nam Á phát biểu. |
Ông nhấn mạnh, trước những cơ hội mới, yêu cầu đặt ra là con người phải điều chỉnh để có thể làm chủ được năng lực và kỹ năng mới. Đón nhận công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cuộc sống và trong giáo dục.
Để có góc nhìn khách quan, ACCA đã có cuộc khảo sát, trao đổi với hơn 900 trường đại học trên toàn thế giới và ở Việt Nam là 40 trường để tìm hiểu về vấn đề này. Đồng thời ACCA thúc đẩy việc hợp tác xuyên quốc gia với một sự quyết tâm, cam kết mạnh mẽ để trang bị cho sinh viên bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới.
Với 34 các đơn vị thành viên đến từ Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia, Thái Lan… ACCA mong muốn mạng lưới này sẽ tạo bước thúc đẩy cho sự gắn kết mọi người để cùng chung tay vì mục tiêu chung hỗ trợ, đồng hành với các sinh viên ở các trường, đặc biệt chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán.
AI là cơ hội và thách thức cho giáo dục Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng bày tỏ sự trăn trở.
Ông cho biết: Toàn cầu, trong đó có Việt Nam đang nằm trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức. Chúng ta có thuận lợi đó là chuyển đổi về công nghệ. Nhưng thách thức là vấn đề già hoá dân số, nền kinh tế xanh và sự tác động lớn của công nghệ. Vì thế chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị để đối mặt với việc này.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh những cơ hội và thách thức với Việt Nam trước làn sóng AI. |
“Dù được đón nhận hay tiếp cận một cách thận trọng, công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang định hình lại thế giới của chúng ta, từ tự động hóa đến học máy, đã và đang mang đến cả cơ hội và thách thức cho các tổ chức giáo dục”, Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh.
Cuộc cách mạng lần thứ 4 đang diễn ra, đặt ra thách thức liệu công nghệ này có tác động đến toàn xã hội và liệu nền kinh tế số có phải đang công bằng với mọi người không hay bỏ lại một số đối tượng?
Ông lấy ví dụ thực tế cách đây hơn 1 năm có ChatGPT và AI đã thấy rõ ràng sự tác động, ảnh hưởng lớn đối với giáo dục. Vấn đề lo ngại của nhiều người là công nghệ đó có làm giảm vai trò của nhà giáo trong công tác giáo dục hay không?
Trước thực tế đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa ra hành động cụ thể để phát triển giáo dục để đáp ứng được thị trường lao động. Hai nhiệm vụ chính đặt ra là cần nâng cao số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu vì Việt Nam là nơi đến của các quốc gia trên thế giới.
Nội dung Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) ngày thứ 2 bàn sâu đến các vấn đề liên quan đến giáo dục |
Giải pháp quan trọng đó là các ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ, kết nối với doanh nghiệp FDI để cùng hợp tác, nâng cao chất lượng. Một trong những hành động cụ thể đó là năm 2022 Việt Nam đã hợp tác với ACCA trong ngành tài chính, kế toán, kiểm toán.
Hiện tại hệ thống giáo dục có khoảng 900 trường trung cấp, cao đẳng, đào tạo hơn 17.000 học sinh, sinh viên/năm, nếu như không tiếp cận ngay công nghệ thì không đáp ứng được công việc sau này.