Đi vào hoạt động năm 2026, sân bay Long Thành cần 14.000 lao động
Các hạng mục tại dự án Sân bay Long Thành đang gấp rút hoàn thành tiến độ. |
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau từ phổ thông đến đại học, trên đại học.
Còn theo thông tin từ phía ACV, sân bay Long Thành đang được khẩn trương thi công và dự kiến khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 sẽ phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa.
Đây được đánh giá là cảng hàng không hiện đại, tiên tiến hàng đầu của quốc gia, mang tầm vóc quốc tế và khu vực. Với công suất thiết kế khi hoàn thiện 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Ngay từ giai đoạn sớm, phía ACV và SAGS đã xác định, để đáp ứng cho công tác khai thác khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cần phải có công tác chuẩn bị nguồn lực lớn, với đội ngũ nhân lực có tay nghề cao, trang thiết bị hàng không hiện đại.
Đại diện các bên ký kết và trao quà tặng tại sự kiện chiều ngày 27/5. |
Phát biểu tại Lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với mục tiêu chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ cho sân bay Long Thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026. Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch HĐQT SAGS cho biết là đơn vị thành viên của ACV và là chủ đầu tư của dự án trọng điểm này, SAGS đã xác định việc thành công đấu thầu cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay Long Thành là mục tiêu mang tính chiến lược của công ty.
Bên cạnh đội ngũ nguồn nhân lực và vật lực hiện nay, ACV và SAGS đã nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá các đơn vị, cơ sở đào tạo có năng lực và kinh nghiệm tại tỉnh Đồng Nai nhằm phát triển thêm nguồn nhân lực tại chỗ. Theo đó ACV, SAGS đã thống nhất chủ trương hợp tác với Trường Cao đẳng công nghệ Lilama 2, một cơ sở công lập có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo đa cấp trình độ đa ngành thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để triển khai các kế hoạch hợp tác chiến lược phục vụ tại Sân bay Long Thành.
Vì thế, dựa trên lĩnh vực thuộc thế mạnh của mình, ACV, SAGS và Trường Lilama 2 thống nhất hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không như gia công, sản xuất vật tư, linh kiện phụ tùng để phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, trang thiết bị hàng không; xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia.
Theo ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, đây là sự kiện không chỉ mang ý nghĩa nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động với địa phương, mà còn góp phần vào công tác an sinh xã hội tại địa bàn, thực hiện mục tiêu tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho người dân tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là con em gia đình nằm trong diện di dời, tái định cư, ổn định đời sống cho người dân, và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai và các tỉnh trọng điểm phía Nam.
Theo thống kê của UBND tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành khai thác giai đoạn 1 có nhu cầu lao động trình độ tiến sĩ là 5 người, thạc sĩ là 405 người, 5.393 người trình độ đại học, cao đẳng trung cấp là 2.249 người, sơ cấp là 3.816 người, lao động phổ thông là 1.901 người…
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị AC, SAGS cung cấp số lượng nhân sự cần phục vụ trong sân bay, từ đó tỉnh sẽ nghiên cứu, thống kê số lượng… Các sở, ban, ngành của tỉnh cũng sẽ sớm hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ con em của tỉnh khi tham gia đào tạo.