Người tiêu dùng háo hức chờ tin giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô
Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ có giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước… như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, đã có 3 lần Chính phủ quyết định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Lần đầu tiên là từ ngày 28/6/2020 đến hết 31/12/2020, lần thứ 2 là ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022 và lần thứ 3 từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Honda Việt Nam liên tục có nhiều chương trình kích cầu mua sắm ô tô từ đầu năm 2024 tới nay |
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ta khi ban hành, có tác động tích cực với người tiêu dùng và nhà sản xuất, phân phối, lắp ráp ô tô trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Điều này cũng được minh chứng qua các số liệu. Cụ thể, trong thời gian thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu tiên theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP từ 28/6/2020 đến hết 31/12/2020, số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân đạt 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020 (chỉ là 102.924 xe).
Trong thời gian thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP với thời gian từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 398.177 xe.
Trong đó, của tháng 12/2021 là 103.722 xe và của 5 tháng đầu năm 2022 là 294.455 xe.
Tính riêng trong năm 2022, bình quân số lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 58.891 xe/tháng, cao gấp 1,38 lần bình quân số lượng xe được bán ra trong 7 tháng còn lại.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ khiến tiêu thụ xe lắp ráp, sản xuất trong nước gia tăng cũng đã kéo theo thu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt tăng.
Cụ thể, trong thời gian thực hiện Nghị định 70/2020/NĐ-CP, tổng thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm đạt 25/167 tỷ đồng, tăng khoảng 12.500 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm là thời điểm không có chính sách kích cầu qua giảm lệ phí trước bạ.
Trong thời gian thực hiện Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tổng thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22.506 tỷ đồng.
Con số này cũng tăng 6.287 tỷ đồng so với mức thu các loại thuế này của 5 tháng đầu năm 2021 là thời điểm không có chính sách kích cầu qua giảm 50% lệ phí trước bạ.
Ở thời điểm thực hiện Nghị định số 41/2023/NĐ-CP (từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023), dù sức mua của nền kinh tế giảm sâu với ô tô nhưng theo ước tính của Bộ Tài chính việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng vẫn có thể bù đắp được phần giảm thu về lệ phí trước bạ.
Toyota Việt Nam cũng có nhiều chính sách giảm giá để kích cầu mua sắm ô tô lắp ráp trong nước |
Cũng dễ nhận thấy, nhờ chính sách kích cầu này mà các nhà sản xuất ô tô trong nước đã đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời không biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ ô tô của các nước khác và gây những tác động không mong muốn trong việc huy động, thu xếp ngoại tệ để nhập khẩu ô tô từ nước ngoài.
Bộ Tài chính cũng có đưa ra các đánh giá tác động tiêu cực khi giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trong đó đáng chú ý là việc một số nước có lợi ích khi xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam đã phản ánh việc đối xử không công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về mức thu lệ phí trước bạ.
Được biết, phía Việt Nam cũng đã giải thích lý do ban hành biện pháp này là để giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid.
Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 phương án, giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2024 và không thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ để các bộ ngành góp ý kiến.
Trong dự thảo lấy ý kiến này, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 4 đạt 24.350 xe, giảm 11% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 4/2024 đạt 82.515 xe giảm 11% so với 2023, trong đó xe ô tô du lịch đạt 59.116 xe giảm 14%; xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 28% so với năm 2023.
Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 17% trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kì năm ngoái.
Với doanh số “ảm đạm” những tháng đầu năm, các đại lý ô tô đều kỳ vọng, chính sách giảm lệ phí trước bạ nếu được áp dụng sẽ tạo một “cú hích” cho doanh số của họ nửa cuối năm. Doanh nghiệp thì bán được nhiều hàng hơn, còn người mua xe cũng vui mừng vì sẽ tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, nhu cầu tiêu dùng ô tô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.
“Chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ô tô đang có xu hướng sụt giảm mạnh”, ông Quyền nói.