Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất phân bón
Thiệt đơn, thiệt kép trong 10 năm
Tại Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) – được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp sau vào tháng 10/2024 – có một nội dung được quan tâm đặc biệt liên quan đến lĩnh vực phân bón. Cụ thể, sẽ chuyển mặt hàng phân bón và các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế”.
Thực tế, không phải tới tận gần đây, mà kiến nghị thay đổi trên đã liên tục được đề cập từ nhiều năm nay. Chia sẻ tại Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” diễn ra sáng 14/6, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhấn mạnh, đã đến lúc không thể không sửa đổi việc tính phân bón vào nhóm không chịu thuế đang được quy định tại Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Người chịu thiệt hại chính trong việc mặt hàng phân bón không được áp thuế GTGT trong gần 10 năm là nông dân |
“Gần 10 năm không được áp thuế GTGT đối với phân bón, ngành nông nghiệp bị thiệt đơn, thiệt kép. Dù có thể không hiểu về các sắc thuế, nông dân – những người thực tế đang bán mặt cho đất, bán lưng cho trời – cũng đã rất thấm thía những thiệt hại này”, ông Ngọc cho hay.
Việc mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khiến doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Vì không được khấu trừ thuế, nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên cao.
Trong khi đó, phân bón là vật tư nông nghiệp không thể thiếu trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Người chịu thiệt hại chính là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp này.
Cách đây 10 năm, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng, mục tiêu ở thời điểm đó là đưa ra các chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam trải qua khủng hoảng châu Á – Thái Bình Dương năm 2008, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn 2012-2013.
Theo sát chính sách thuế này từ đầu, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, thời điểm đó, đã có nhiều hiệp hội ngành hàng kiến nghị đưa mặt hàng phân bón về chịu thuế suất 0%. Tuy nhiên, điều này là không thể do vi phạm thông lệ và cam kết quốc tế, thuế 0% chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo nguyên tắc của thuế GTGT.
Luật 71/2014/QH13 sửa nhiều luật với thời gian ngắn ngủi và không có nhiều số liệu, thông tin cụ thể. Khi đó, Quốc hội quyết định đưa mặt hàng này từ chịu thuế 5% về không chịu thuế. “Rất tiếc tại thời điểm đó, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan nghiên cứu, các viện các trường không đủ thông tin, dữ liệu để chứng minh rằng, mức thuế 5% hay không chịu thuế là có lợi”, ông Phụng cho hay.
Doanh nghiệp lép vế trên sân nhà
Theo ông Phụng, nếu cho rằng, mức thuế GTGT 5% với phân bón, hóa chất khiến nông dân bị thiệt là đã quên không tính đến tính liên hoàn của thuế GTGT. Khi không được khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp “hụt” mất một nguồn lực. Dẫn ví dụ về Nhà máy Phân bón Cà Mau, số thuế đầu vào không được khấu trừ thuế trong 9 năm dồn tích cộng vào giá thành khoảng 2.446 tỷ đồng. Điều tương tự cũng xảy ra tại các nhà máy Phú Mỹ, Ninh Bình, Hóa chất Hải Phòng…
Vì không được khấu trừ thuế, nên toàn bộ chi phí hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào giá sản phẩm |
Là một trong 2 đơn vị sản xuất phân bón DAP tại Việt Nam, Công ty cổ phần DAP – Vinachem cũng chịu ảnh hưởng khi không mở rộng được quy mô đầu tư. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc DAP – Vinachem, việc tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm không được hoàn thuế đã làm hạn chế tính hiệu quả của dự án. Từ đó, doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc quyết định lựa chọn phương án đầu tư và không có động lực để tăng đầu tư, tái đầu tư, nâng cao quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm.
“Vòng đời công nghệ của một nhà máy vào khoảng 10-15 năm, nếu không có động lực và nguồn lực, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn để đổi mới công nghệ, từ đó không tạo ra được sản phẩm cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, cũng như không giữ ổn định được giá bàn trên thị trường, khó làm chủ cuộc chơi”, lãnh đạo DAP – Vinachem cho hay.
Cùng với đó, nhờ đầu tư mở rộng, việc gia tăng quy mô sản xuất sẽ giúp giá thành giảm do tận dụng được lợi thế quy mô để giảm chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Về phương diện kinh doanh, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây ra bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại là hàng nhập khẩu, gồm những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi đó, sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế GTGT, giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.
Chẳng hạn, tại DAP – Vinachem, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, khoảng 7-8% chi phí sản xuất tăng thêm mỗi năm, tương đương khoảng 100 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế trong 10 năm qua, đại diện DAP – Vinachem cho biết, con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Khi giá thành sản xuất tăng, giá bán trên thị trường không điều chỉnh được do có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Ngành sản xuất phân bón trong nước do vậy không làm chủ được thị trường, phải theo luật chơi của phân bón nhập khẩu. Điều này, theo ông Trung, là khó khăn lớn nhất cho DAP – Vinachem, cũng là nguyên nhân khiến sản xuất, kinh doanh sụt giảm.
Cũng theo Phó tổng giám đốc DAP – Vinachem, doanh nghiệp này đã nhận ra khó khăn từ cuối năm 2014 và đưa ra kiến nghị đến Tổng cục Thuế từ năm 2015. Tuy vậy, luật mới ban hành cần thời gian để đánh giá.
Ở thời điểm hiện tại, gần 10 năm kể từ thời điểm Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, các hệ lụy đã được kiểm nghiệm bằng thực tiễn cả về số thu, sản lượng, giá bán, hay hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất
Phân tích về các lợi ích khi đưa thuế GTGT với phân bón trở lại mức 5% dựa trên các số liệu tính toán, ông Phụng cho biết, lợi ích trước nhất chính là tăng thu ngân sách đối với phân bón nhập khẩu, trong khi thị trường vẫn giữ mặt bằng giá bán. Nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, khi đã được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Cùng với đó, khấu trừ thuế GTGT đầu vào sẽ đón được cơ hội gia tăng đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến kinh tế xanh đang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này.
Với DAP – Vinachem, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kế hoạch thực hiện dự án gắn với kinh tế tuần hoàn của Công ty. Theo đó, công nghệ mới cho phép tạo ra sản phẩm chất lượng hơn và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn khoáng sản nhờ tinh chế quặng apatit, đồng thời không chỉ sản xuất phân bón DAP, mà còn tận dụng nguồn thải làm vật liệu san lấp trong xây dựng.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nếu có thể đổi mới công nghệ phân hỗn hợp sang công nghệ tháp cao, doanh nghiệp có thể sản xuất được phân NPK dinh dưỡng cao. Sản phẩm chất lượng hơn, hiệu quả hơn, cho phép nông dân giảm số lần bón mỗi vụ, không chỉ giảm về số lượng phân bón, còn “tiết kiệm” được nhiều thời gian, công sức, tiền của.
Nhiều quốc gia coi sản xuất nông nghiệp là đối tượng cần được ưu tiên phát triển một cách bền vững để tạo nền tảng cho xã hội. Trong đó, phân bón là mặt hàng quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về chính sách thuế GTGT áp dụng lên phân bón, các quốc gia đưa ra các mức thuế suất khác nhau, nhưng đều coi đây là mặt hàng chịu thuế GTGT, như Nga (20%), Trung Quốc (11%, dự kiến giảm xuống 9%), hay Thái Lan (8%)…
Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” nhằm tạo diễn đàn trao đổi rõ hơn cơ sở thực tế và mục đích chính sách trong việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón. Đồng hành với chương trình có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau.