“Cơn lốc” ô tô Trung Quốc
Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất các mẫu xe Omoda và Jaecoo tại tỉnh Thái Bình sẽ đi vào hoạt động trong thời gian không xa. Trong ảnh: Mẫu xe Jaecoo 7 |
“Đổ bộ” với quy mô lớn
Tại buổi gặp gỡ giới truyền thông cách đây ít ngày, đại diện liên doanh phân phối các dòng xe Omoda và Jaecoo đã hé lộ kế hoạch khai trương 20 đại lý 3S theo tiêu chuẩn toàn cầu ngay trong năm 2024 và nâng tổng số đại lý 3S lên tối thiểu 30 trong năm 2025.
Omoda và Jaecoo là 2 thương hiệu xe được Tập đoàn Chery Automobile (Trung Quốc) xây dựng để bước ra thế giới. Năm 2023, Chery Automobile đạt sản lượng xuất khẩu gần 1 triệu xe ra nước ngoài.
Với thị trường Việt Nam, Chery Automobile nhắm tới tương lai dài hơi khi quyết định liên doanh với Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda và Jaecoo với công suất 200.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 800 triệu USD tại Thái Bình sẽ đi vào hoạt động trong thời gian không xa.
Xuất khẩu xe điện chạy pin (BEV) của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2021, đạt 34 tỷ USD vào năm 2023. Cho đến nay, Mỹ hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng này (Mỹ nhập khẩu xe điện trị giá dưới 400 triệu USD từ Trung Quốc vào năm 2023), nhưng việc tăng thuế có thể được coi là một “đòn phủ đầu” nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô của Mỹ khỏi sự cạnh tranh mới, có khả năng không công bằng từ các nhà sản xuất ô tô Mỹ.
Vào tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra về ô tô điện được trợ cấp từ Trung Quốc nhằm xác định, liệu chuỗi giá trị BEV của Trung Quốc có được hưởng lợi từ “trợ cấp bất hợp pháp” vốn “gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất BEV của EU hay không”.
Một thương hiệu ô tô khác của Trung Quốc cũng truyền thông rầm rộ không kém là BYD. Theo kế hoạch chia sẻ với báo giới hồi tháng 4/2024, trong tháng 6/2024, BYD Việt Nam khai trương 15 trong tổng số 50 showroom tại nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ. Hãng cũng sẽ phân phối 3 mẫu xe điện tại thị trường Việt Nam, bao gồm Atto 3, BYD Dolphin và BYD Seal. Trong đó, Atto 3 là dòng xe chủ lực của Hãng tại nhiều thị trường trên thế giới.
Thậm chí, ngay cả khi chia tay nhà phân phối lớn nhất là New Energy Holdings – đơn vị thuộc sở hữu của Tasco Auto (tên trước đây là Savico) vốn rất dày dạn kinh nghiệm với 86 showroom trên toàn quốc cho 14 hãng xe gồm các thương hiệu lớn như Toyota, Ford, Mitsubishi, Volvo… và doanh thu của mảng ô tô vượt 1 tỷ USD, thì BYD vẫn giữ nguyên kế hoạch tại Việt Nam.
Theo ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc mảng ô tô của BYD châu Á – Thái Bình Dương, BYD muốn xây dựng nhà máy ô tô tại Việt Nam và sẽ tìm thời điểm phù hợp để công bố tiến độ. Về mục tiêu doanh số, ông Liu Xueliang cho hay, BYD chưa xác định con số cụ thể. Hơn nữa, Hãng không đặt nặng mục tiêu doanh số cao, mà luôn nghĩ đến việc đem được những gì tới Việt Nam.
Trong danh sách các hãng ô tô Trung Quốc đã hiện diện tại Việt Nam còn có Lynk & Co – thương hiệu xe cao cấp được thành lập bởi Volvo và Geely Auto Group (đơn vị thành viên của Geely Holding).
Lynk & Co ra mắt khách hàng Việt Nam vào giữa tháng 12/2023 khi giới thiệu 3 mẫu xe SUV 01, 05, 09 cùng với việc khai trương showroom đầu tiên tại Tasco Mall (Hà Nội) và Lynk & Co Club, sau đó là tại TP.HCM, thông qua sự hợp tác với Tasco Auto.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Haval – thương hiệu cho thị trường quốc tế của Great Wall Motor (Trường Thành) – chính thức hiện diện tại Việt Nam. Nhà phân phối chính hãng và độc quyền của Haval tại Việt Nam là Công ty GWM Thành An – Việt Nam, với sự đồng hành của Tập đoàn Thành An hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ. Ngoài đại lý đầu tiên tại Hà Nội, Haval dự kiến phát triển 25 – 30 đại lý trong năm 2024.
Sự đổ bộ của các thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc trong khoảng 1 năm qua cho thấy mức độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam khi đang ở giai đoạn ô tô hóa, với thu nhập bình quân theo giá hiện hành khoảng 4.280 USD/người/năm.
Đáng chú ý là, khác với các thương hiệu ô tô quốc tế truyền thống (xuất hiện rất thận trọng và mở rộng hệ thống đại lý từng bước), các thương hiệu xe Trung Quốc “tấn công” dồn dập để tiếp cận người tiêu dùng và “phủ sóng” thị trường Việt Nam, tạo ra những lợi thế nhất định cho người đến sau.
Thách thức chờ vượt qua
Trên bình diện toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc được cho là đang bước vào kỷ nguyên mới. Trong 4 tháng đầu năm 2024, đã có 1,827 triệu ô tô được xuất khẩu từ Trung Quốc, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã xuất khẩu 4,91 triệu ô tô và đang hướng tới mục tiêu trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới.
Hiện Nhật Bản là nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới với 5,97 triệu chiếc vào năm 2023, theo dữ liệu được hải quan nước này công bố.
Tại khu vực ASEAN, 2 năm trước, BYD đã đưa dải sản phẩm xe điện thâm nhập thị trường. Hiện ở Thái Lan, BYD được ví như một hiện tượng khi chiếm lĩnh 40% thị phần xe điện; còn ở Malaysia, BYD chiếm tới 44% thị phần. Để hiện diện sâu rộng hơn ở thị trường này, nhiều nhà máy của các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã được xây dựng mới hoặc mua lại từ các tên tuổi truyền thống.
“Đối với BYD, Việt Nam là thị trường quan trọng”, ông Liu Xueliang khẳng định.
Vị CEO này đánh giá, Việt Nam là thị trường tiềm năng và quan trọng, vì dân số hơn 100 triệu người, trong đó, tỷ lệ dân số trẻ cao. Những người trẻ thường rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ, kỹ thuật mới và sẵn sàng đón nhận xe điện. BYD muốn thông qua công nghệ, kỹ thuật hiện có để đóng góp vào việc phát triển các thị trường mà BYD đặt chân tới.
“Trên thị trường, cạnh tranh về giá là điều rất bình thường. BYD không có bí quyết gì để duy trì vị trí số 1, nhưng BYD nắm giữ công nghệ, kỹ thuật cốt lõi của xe điện. Vì thế, điều BYD mong muốn chính là có thể đi đến cuối cùng”, ông Liu Xueliang bày tỏ.
Còn với Omoda và Jaecoo, để thu hút người tiêu dùng Việt Nam, nhà phân phối cho biết, các showroom của thương hiệu này sẽ theo chuẩn 3S toàn cầu và được trang bị các công nghệ hiện đại nhất nhằm mang lại trải nghiệm độc đáo, tiện nghi, sang trọng tối đa cho khách hàng. Các sản phẩm ban đầu sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia và rất đa dạng chủng loại, gồm xe xăng (ICE), xe Plug-in hybrid (PHEV), xe thuần điện (BEV).
Ông Nguyễn Đăng Quang, Giám đốc phụ trách Bán hàng và Phát triển đại lý của Omoda và Jaecoo Auto Việt Nam cho hay, mục tiêu được thương hiệu đặt ra tới cuối năm 2025 là chiếm 3% thị phần trên thị trường ô tô Việt Nam và nằm trong top 10 hãng xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam; đến cuối năm 2027 sẽ bán xe lắp ráp tại Việt Nam, chiếm 6% thị phần và nằm trong top 8; sau năm 2028 sẽ chiếm 10% thị phần và nằm trong top 5.
Trong khi đó, với chiến lược khác biệt khi hướng tới giới trẻ và kết nối cộng đồng, Lynk & Co tiếp cận thị trường bằng mô hình Lynk & Co Center and Clubs, mang lại trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Không chỉ là nơi trưng bày xe, tích hợp dịch vụ bán hàng, hậu mãi, phụ tùng, đáp ứng nhu cầu về xe, Lynk & Co Center and Clubs còn là nơi khách hàng có thể tham gia các sự kiện kết nối, tương tác với nhau hoặc tìm hiểu về các sản phẩm, dịch vụ của Lynk & Co theo cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất.
Tất nhiên, đây là sự chuẩn bị của phía thương hiệu, còn việc đón nhận các sản phẩm này đến đâu sẽ phải chờ phản hồi của người tiêu dùng.
Nhân viên bán hàng của một thương hiệu ô tô Trung Quốc cho hay, người tiêu dùng mua ô tô Trung Quốc thường là chiếc xe thứ 2, tức là họ đã có hiểu biết nhất định về xe. Còn anh Dương Quang, một nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong ngành xe chia sẻ, tuyên bố ấn tượng của các hãng ô tô Trung Quốc cần có thời gian để kiểm chứng. Đơn cử, mục tiêu đứng trong top 5 hãng xe có thị phần lớn nhất tại Việt Nam của Omoda và Jaecoo vào sau năm 2028 là rất tham vọng, bởi trên thực tế, nhiều thương hiệu phải mất khoảng 15 năm để đạt được mục tiêu này.
Như vậy, dù có một số lợi thế nhất định về mức độ phủ sóng hệ thống và giá bán, nhưng để thực hiện được kế hoạch tham vọng của mình, các hãng xe Trung Quốc cần chờ thời gian.