Hoạt động dịch vụ lưu trữ vẫn là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Quốc hội bấm nút thông qua Luật Lưu trữ. |
Chỉ có 6/463 đại biểu không biểu quyết, sáng 21/6 Quốc hội đã thông qua Luật Lưu trữ gồm 8 chương 65 điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/ 2025.
Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần có sự quản lý chặt chẽ.
Hơn nữa, đây không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 3 nhóm dịch vụ về số hóa, tạo lập, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; tu bổ, khử trùng, khử axit, vệ sinh tài liệu, kho lưu trữ tài liệu và tư vấn nghiệp vụ lưu trữ.
Ông Tùng nói, các nhóm này đòi hỏi người cung cấp dịch vụ phải có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành chuyên sâu về lưu trữ, do đó điều kiện cơ bản cần thiết là cá nhân phụ trách kỹ thuật, nghiệp vụ lưu trữ tại tổ chức kinh doanh dịch vụ, cá nhân độc lập kinh doanh các dịch vụ này phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ như quy định tại khoản 5 Điều 53.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo đã chỉnh lý điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ cho đầy đủ, rõ ràng hơn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng hồi âm ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia thì phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa để tránh chồng chéo, vướng mắc.
Theo đó, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ; trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia hoặc công nhận, ghi danh hình thức khác thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan như quy định tại dự thảo Luật là phù hợp.