1. Home
  2. Thời sự - Xã hội
  3. Quan tâm hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Quan tâm hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế

Với những tín hiệu khá khả quan trong nửa đầu năm, theo GS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân), khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm nay (tăng 6 – 6,5%) là hiện hữu.

GS-TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân).

Với nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm nay, theo ông, tăng trưởng GDP cả năm có đạt mục tiêu đặt ra?

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Quốc hội đặt ra cho năm nay là 6 – 6,5%. Với những diễn biến rất thuận lợi từ đầu năm đến nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 93/NQ-CP (ngày 18/6/2024) về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu (6,5%).

Đây là bài toán rất khó, nhưng cũng có thể thực hiện được và vấn đề quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng thế nào. Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng không hẳn trở thành quốc gia thịnh vượng, bởi của cải thực chất của một quốc gia là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm, chứ không phải là GDP.

Chênh lệch giữa GNI và GDP của Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng, từ khoảng 1,4% năm 2000, lên xấp xỉ 5% năm 2023. Nếu như năm 2000, số tiền nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra khỏi Việt Nam (nhờ lợi nhuận) chỉ khoảng 0,45 tỷ USD, thì con số này ước tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2022 và lên tới 21 tỷ USD vào năm 2023, tức là còn lớn hơn lượng kiều hối gửi về nước (19 tỷ USD). Hiện tượng này có thể tác động xấu đến tỷ lệ tiết kiệm cũng như tích lũy tài sản cố định của Việt Nam, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Có thể nói, từ khi Covid-19 xảy ra, tăng trưởng kinh tế suy giảm, đi kèm chất lượng tăng trưởng không được cải thiện. Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế được xem xét trên 3 khía cạnh, gồm Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động và khả năng chuyển đổi số của nền kinh tế. Hậu Covid-19, cả 3 khía cạnh này của nền kinh tế Việt Nam đều có xu hướng suy giảm.

TFP của Việt Nam được cải thiện trong những năm vừa qua đã cho thấy, hiệu quả của nền kinh tế đang được cải thiện, thưa ông?

TFP là thước đo hiệu quả sử dụng tài sản cố định và lao động hoặc các nhân tố hữu hình, nhờ vào tác động của các nhân tố vô hình như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng lao động… Có thể hiểu, với cùng lượng đầu vào, doanh nghiệp hoặc nền kinh tế có TFP cao hơn sẽ có lượng đầu ra lớn hơn và ngược lại.

Tính trung bình giai đoạn 2015 – 2019, tăng trưởng TFP của Việt Nam đạt mức 2,77%/năm, đứng đầu khu vực, cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng TFP của Việt Nam bắt đầu sụt giảm trong 2 năm gần đây, thậm chí tăng trưởng âm 1,36% vào năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng âm sâu hơn vào năm 2023 (âm 2%). Điều này cho thấy, hiệu quả của nền kinh tế có xu hướng suy giảm.

Năng suất lao động là một trong 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội thông qua hàng năm, nhưng nhiều năm qua, chỉ tiêu này không đạt mục tiêu. Điều này cho thấy, hiệu quả của nền kinh tế chưa được cải thiện?

Trong giai đoạn trước đại dịch, năng suất lao động của Việt Nam đạt tốc độ tăng khá cao, trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 – 2019. Mức tăng này cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực và chỉ thấp hơn của Trung Quốc. Nhưng hậu Covid-19, năng suất lao động của Việt Nam có dấu hiệu giảm sút, khiến năng suất lao động của Việt Nam không những không thu hẹp so với các nước ASEAN và khu vực, mà còn có chiều hướng doãng rộng. Năm 2023, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/7,6 của Singapore, 1/3 của Malaysia, 1/1,8 của của Trung Quốc, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, năng suất lao động là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, thưa ông?

Hầu như năm nào, Thủ tướng Chính phủ cũng chủ trì một hội nghị, diễn đàn về năng suất lao động. Ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 để lắng nghe người lao động, tổ chức đại diện cho người lao động (công đoàn) tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiến kế làm thế nào để tăng năng suất lao động.

Xác định, đến năm 2030, năng suất lao động phải trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chính. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 (Quyết định 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023), với mục tiêu trong giai đoạn 2023-2030, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm (trong đó, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo đạt 6,5 – 7,0%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,0 – 7,5%/năm; dịch vụ đạt 7,0 – 7,5%/năm) và đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động.

Để đạt được mục tiêu trên, theo tính toán, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo tăng trung bình 15%/năm trong giai đoạn 2023-2025 và đến năm 2030 đạt 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và 35 – 40% vào năm 2030; TFP đạt khoảng 45% GDP vào năm 2025 và  khoảng 50% GDP vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao, không dễ đạt được nếu không có các giải pháp tổng thể.

8 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud