Báo chí đừng ngại “nói ngược”
Dưới đây là chia sẻ cũng như gợi mở của một số đại biểu để Báo Đầu tư phát huy và làm tốt hơn nữa chức năng của mình.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Duy Linh |
Đừng ngại ngần chuyện nói ngược.
– Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội
Vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế – xã hội rất rộng, nhưng với chính sách nói chung và hoạt động xây dựng chính sách của Quốc hội nói riêng, thì vai trò của báo chí thể hiện ở nhiều điểm đặc thù.
Trong hoạt động nghị trường, nếu không có vai trò của báo chí thì sức lan tỏa tiếng nói của các vị đại biểu sẽ khó đạt được so với mong muốn của Quốc hội cũng như cử tri.
Vì thế, kể cả từ trong nhận thức và thực tiễn, mong muốn của đại biểu Quốc hội là làm sao để sự tham gia, đóng góp của báo chí như một người trong cuộc, chứ không chỉ đơn thuần là người phản ánh. Có như vậy thì tiếng nói, thông tin của báo chí mới không chỉ đơn thuần là việc đưa tin.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội |
Ở đây, báo chí không chỉ là người đưa tin, mà thậm chí còn là người phản biện, người tham gia trực tiếp vào việc hoàn thiện những chính sách đó.
Không biết các ủy ban khác thế nào, nhưng với Ủy ban Quốc phòng – An ninh và tôi để ý thấy, các cơ quan khác khi làm chính sách, nhất là các vấn đề lớn, khó, phức tạp thì không chỉ đơn thuần lắng nghe ý kiến từ cử tri, chuyên gia, nhà khoa học, không chỉ lắng nghe mỗi ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, mà kênh báo chí, kênh thông tin của các cơ quan ngôn luận, nếu không tận dụng được sẽ là sai lầm. Nếu tận dụng được, tham khảo được sẽ góp luận cứ để xem xét, quyết định.
Điều đó thể hiện qua việc các cơ quan của Quốc hội hàng ngày đều xem hôm nay báo chí nói vấn đề đó như thế nào, hôm qua họ đã phản ánh ra sao, rồi trước đó nữa, báo chí đã tổng kết, đánh giá thế nào?
Tôi cho rằng, báo chí là kênh hết sức cần thiết. Có những số liệu chúng ta không tìm thấy được ở trong các báo cáo, không tìm thấy trong các tổng kết một cách chính thức, không thể lấy được từ những cuốn sách hay thư viện và cũng không thể lấy trên cơ sở dữ liệu. Có những số liệu rất thực, thậm chí còn có tính sống động mà đại biểu có thể tham khảo được qua báo chí.
Cá nhân tôi, liên quan những nội dung Ủy ban chúng tôi làm, tôi đọc những bình luận phía dưới các bài viết của người dân, cử tri thông qua phản biện từ các bài viết của báo chí. Không phải tất cả những ý tưởng đó đều được cử tri đồng tình, người ta sẽ đánh giá lại. Tôi cho rằng, đó cũng chính là tính sinh động của báo chí.
Quay lại câu chuyện báo chí nên đóng góp thế nào để có sự liên quan trực tiếp đối với hoạt động làm chính sách, tôi thấy có mấy điều thế này.
Thứ nhất, thông tin của báo chí bao giờ cũng là nhanh nhất, sống động nhất, khách quan nhất.
Tôi nghĩ rằng, đối với tất cả những vấn đề được đưa ra trên nghị trường, báo chí cần phản ánh một cách khách quan và trung thực. Chúng ta không nên đánh giá một chiều. Khi một vấn đề được đưa ra, thì người ta đều có lý, có cơ sở của họ. Khi các đại biểu phản biện, các cơ quan của Quốc hội phản biện, thẩm tra thì đều có lý lẽ cả. Mục đích chung là làm sao để chính sách đó được chuẩn nhất, phù hợp nhất, khả thi nhất. Thế thì nhiệm vụ của báo chí, tôi cho rằng, phải là phản ánh một cách khách quan và trung thực nhất.
Thứ hai, việc này liên quan đến cá nhân người viết, cơ quan báo chí. Chúng ta phải có những linh cảm nghề nghiệp, có tâm lý nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp để chúng ta định hướng, đi vào những cái tốt nhất có thể, không nên theo duy cảm, không nên theo số đông. Trong đưa tin làm chính sách đối với báo chí phải như vậy.
Thời gian qua, Quốc hội thông qua rất nhiều nội dung đặc thù, đặc cách vượt trội, có những nội dung có thể cấp bách, có thể không theo quy trình, có thể gặp điểm này, điểm kia về mặt chính sách. Tôi cho rằng, đó là điều báo chí cần phải có đánh giá để làm sao người dân hiểu được vì sao lại có chuyện như vậy. Và đưa ra như vậy thì có thể gặp phải vấn đề gì bất lợi, vấn đề gì cần phải làm rõ?
Vừa qua, báo chí rất đồng hành với không chỉ Quốc hội, bởi nội dung được đưa ra nghị trường đều từ Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhưng để đồng hành đạt hiệu quả cao, thì báo chí phải xuất phát từ bản chất vấn đề.
Ví dụ câu chuyện sắp tới chúng ta thông qua một luật sửa 4 luật liên quan hiệu lực thi hành. Mới nhìn thì chúng ta có thể đặt câu hỏi, ồ vấn đề này tại sao phải thế? Có cập rập quá không? Có vấn đề gì phát sinh không? Các đại biểu cũng có thể đặt ra câu hỏi như vậy.
Nhưng nếu đi sâu phân tích, nhất là những lĩnh vực mang tính chuyên sâu, những tờ báo có tính đặc thù như Báo Đầu tư thì hoàn toàn có cơ sở dữ liệu để phân tích xem môi trường đầu tư, điểm khúc mắc của các địa phương, bộ, ngành giờ đang vướng cái gì, cần giải tỏa gì, từ đó có phân tích, đánh giá giúp đại biểu có thêm thông tin.
Trong môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đặc biệt liên quan các địa phương như vấn đề giải phóng mặt bằng, tách gói giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhà ở xã hội, cải tạo nhà chung cư… Những vấn đề đó, tôi cho rằng, nếu chúng ta đẩy sớm hơn được thì cũng là tốt chứ? Tốt hơn cho kinh tế, cho xã hội. Tất nhiên, sẽ không tránh khỏi cái vướng này, vướng kia, nhưng tôi cho rằng, kể cả Quốc hội, Chính phủ và đứng giữa là cơ quan ngôn luận, chúng ta phải nhìn thấy rõ một điểm chung để tác động đến quá trình xây dựng, soạn thảo và thông qua chính sách.
Thứ ba, tôi cho rằng, trong báo chí và truyền thông, nhất là hoạt động xây dựng chính sách và nghị trường, chúng ta đừng ngại đối với những vấn đề có tính phản biện, đừng ngại “nói ngược”. Các đại biểu, nhân dân cử tri đang mong có sự phản biện, mong có sự đánh giá có tính xây dựng, nhưng trên nền tảng phản biện, có lập luận chặt chẽ. Việc này, rất nhiều báo làm tốt. Báo Đầu tư làm tốt, tôi đọc rất nhiều bài viết trên Báo Đầu tư nêu vấn đề môi trường đầu tư, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực…
Chúng ta đừng ngại ngần chuyện nói ngược. Tất nhiên, nói ngược phải đúng mục đích và có tính xây dựng.
Thứ tư, điều này hơi vĩ mô một chút, đó là chúng ta đang sống trong môi trường kinh tế – xã hội mà ở đó, người làm báo hay người làm chính sách đều phải tính toán đến lợi ích vật chất, bảo đảm điều kiện để làm việc. Báo chí cũng không thể thoát ra khỏi quy luật của “cơm áo gạo tiền”, không thể thoát ra khỏi quy luật liên quan lợi ích vật chất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, có lẽ, chúng ta phải cân bằng và hài hòa được, tránh những việc sử dụng báo chí cho những mục đích không phản ánh một cách toàn diện hoặc mang màu sắc cá nhân. Phải làm sao dung hòa được lợi ích, nhất là lợi ích trong làm chính sách, để chúng ta có những bài báo hay, có những phân tích chuẩn mực, làm sao để người đọc thấy đây chính là điểm tựa giúp họ có thông tin, từ đó khơi gợi, lan tỏa chính sách đến xã hội, đời sống. Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm.
Thứ năm, liên quan lĩnh vực rất “mốt” bây giờ là chuyển đổi số. Báo chí không thể đi theo con đường cũ là phỏng vấn, viết bài, đăng tin trên báo giấy hay báo mạng. Tôi không thích đọc những bài dài đến cả trang giấy đâu, quan trọng nhất là thông tin phải nhanh, gọn, chính xác, nhưng quan trọng nhất là bài báo truyền tải thông tin gì?
Những nền tảng xã hội, những thông điệp mang tính chất dữ liệu… gọn thôi và trên cả những nền tảng khác. Tôi cho rằng, đấy là cái đang rất cần thiết.
Chúng ta còn phải kết hợp giữa báo chí với các phương tiện truyền thông khác, làm sao tạo nên một “hệ sinh thái” về thông tin: nhanh, kịp thời, chính xác, đầy đủ.
Tất nhiên, giữa truyền thống và cái mới, chúng ta vẫn phải có sự hài hòa, phải tận dụng bước tiến trong chuyển đổi số, trong công nghệ thông tin để chúng ta phát huy vai trò của báo chí.
Tôi đọc những tin rất nhanh trên Tiktok, Zalo chẳng hạn, nhưng tính chất tác động rất lớn. Một số cơ quan làm rất tốt, có trang tin Tiktok riêng, vấn đề là làm sao vừa quản trị được, nhưng cũng vừa tận dụng được môi trường đó.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội luôn mong muốn các cơ quan báo chí đồng hành. Tôi nghĩ, các đại biểu cũng không ngại ngần gì, mong muốn chia sẻ, muốn tiếp cận, gần gũi với báo chí để nói lên quan điểm của mình, rồi cũng từ báo chí, chúng ta có thêm thông tin, điểm tựa về mặt thông tin, từ đó đưa ra những bình luận, đánh giá. Mối quan hệ Quốc hội – báo chí, đại biểu Quốc hội – báo chí là mối quan hệ “trời định” rồi, đó là mối quan hệ bắt buộc phải có, nhất là trong môi trường thông tin bùng nổ công nghệ số như hiện nay.
Mỗi năm, cứ đến dịp 21/6, chúng ta phải xem lại, lâu nay mối quan hệ đó thế nào, phát huy được điều gì rồi. Đây cũng là dịp để các đại biểu nhìn lại xem họ đã tốt với báo chí hay chưa? Đã tận dụng báo chí thế nào? Báo chí cũng tận dụng các đại biểu thế nào để chúng ta cùng hướng tới mục tiêu là thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất, chính xác nhất, khách quan nhất tới người dân, xã hội và ngược lại, những thông tin đó quay lại phản ánh ngay vào kết quả hoạt động của nghị trường.
Tôi thường xuyên đọc Báo Đầu tư trên máy bay. Cá nhân đại biểu Quốc hội chúng tôi khi đi máy bay tiêu chuẩn không được ngồi hạng C, nhưng khi nào hạng C trống, Vietnam Airlines rất ưu ái để đại biểu ngồi hạng C cho tiện đi lại. Ngồi hạng C thì có điều kiện để đọc báo. Tôi hay đọc Báo Đầu tư nhất, bởi vì có nhiều thông tin, báo có sự phản biện và có thông tin số liệu tương đối cụ thể. Tôi cũng quan tâm đến mảng thông tin vĩ mô, nên tôi hay đọc Báo Đầu tư. Không chỉ đọc, có nội dung tôi còn chụp lại hoặc cho vào cặp mang về để về sau còn có thông tin tham khảo khi cần.
Rất nhiều bài, như gần đây là bài viết từ nghị trường về việc gỡ khó cho doanh nghiệp, việc đánh giá thực trạng của doanh nghiệp, vấn đề về thuế… tôi không chỉ đọc, mà còn mang về hoặc chụp lại.
Không chỉ với Đầu tư, với Tuổi trẻ hay các báo khác, cũng không chỉ lên máy bay mới ngồi đọc, mà như với cá nhân tôi bây giờ, khi cần nói, viết về cái gì, ngoài các báo cáo chính thống, thì tôi tra Google xem thông tin báo chí nói về vấn đề đó như thế nào, dữ liệu ra sao để đối chiếu, đánh giá. Đó là đối với cá nhân tôi, nhưng tôi tin các đại biểu khác cũng như vậy.
Tôi rất thích “Góc nhìn” của Báo Đầu tư.
– Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
Những “Góc nhìn” của Báo Đầu tư giúp tôi nhìn rõ hơn cả những tích cực và hạn chế của nhiều quyết sách từ nghị trường.
Do đặc thù công việc, tôi di chuyển qua đường hàng không tương đối nhiều. Mỗi khi bước lên máy bay, tôi đều tìm Báo Đầu tư và đọc rất kỹ mục “Góc nhìn” ngay trang nhất. Không ít lần, tôi đã chụp lại và chia sẻ cho bạn bè, đại biểu Quốc hội khác một số góc nhìn mà tôi tâm đắc.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị |
Tôi hay đọc chuyên mục này không phải vì nó ở ngay trang nhất, dễ thấy, mà tôi thích góc nhìn riêng, rất thẳng thắn, nhưng cũng rất xây dựng của nhiều tác giả tham gia chuyên mục. Đầu tiên, những vấn đề đặt ra trong mỗi góc nhìn đều mang tính thời sự cao, nhưng không ôm đồm, mà được chắt lọc kỹ lưỡng. Nhưng, sức hấp dẫn chính là cách nhìn của mỗi tác giả. Khó khăn của doanh nghiệp, rào cản thể chế, vướng mắc trong môi trường đầu tư, những hạn chế trong xây dựng và ban hành chính sách… đều được đặt ra ở chuyên mục này. Nhưng, đó không phải là sự tường thuật trực diện, nêu đích danh người nói, không phải những ngôn từ mạnh mẽ ồn ào, mà càng đọc lại càng thấy “thấm”. Điều tôi thích nhất là dù không trực diện, song không vì thế mà thiếu đi tính phản biện.
Tôi còn nhớ, khi Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến nhân dân, Báo Đầu tư đã có một số góc nhìn khá gai góc, phê phán sự chưa cầu thị của Ban Soạn thảo. Góc nhìn “Cầu thị không chỉ là lắng nghe” có đoạn thế này: “Để lắng nghe được những góp ý thực sự có chất lượng, thì trước hết, cần phải cung cấp thông tin có chất lượng cho những người muốn góp ý. Lắng nghe chỉ là việc tiếp theo, chưa phải là việc đầu tiên, cũng chưa phải là việc quan trọng nhất để thể hiện sự cầu thị của cơ quan xin ý kiến nhân dân, nhất là với việc sửa một đạo luật có tác động sâu rộng tới toàn thể nhân dân, như Luật Đất đai”.
Sau đó, trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nêu đề nghị cần cung cấp đầy đủ hơn thông tin cho người được xin ý kiến, một số vị đại biểu cũng nêu vấn đề này khi thảo luận tại tổ và hội trường.
Rõ ràng, không cần đao to búa lớn, nhưng “Góc nhìn” của Báo đã tác động không chỉ đến “góc nhìn”, mà còn đến cả hành động của độc giả, nhất là với những người có trách nhiệm bấm nút thông qua nhiều đạo luật, nhiều chính sách, như đại biểu Quốc hội.
Không chỉ “Góc nhìn”, mà nhiều bài viết ở các chuyên mục khác của Báo Đầu tư cũng hấp dẫn với tôi. Bên cạnh “Góc nhìn”, tôi hay đọc các bài ở trang Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế – Đầu tư… và tôi thích sự điềm tĩnh, nhưng không nhạt nhòa của các trang báo đó.
Đôi khi, tôi cũng bắt gặp một số bài (kể cả ở mục Góc nhìn) khá “nhạt”, thậm chí có cả một vài “hạt sạn”. Biết là không tránh khỏi, song tôi mong khâu duyệt bài của báo nên “khó tính” hơn nữa, nhất là khi báo được phát hành trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, nơi độc giả có thời gian không chỉ đọc, mà còn ngẫm. Với chuyên mục “Góc nhìn”, cần phong phú hơn nữa về đề tài, đa dạng hơn nữa về cách viết, để thực sự trở thành “thương hiệu” riêng của Báo.
Tôi đọc Báo Đầu tư hằng ngày, vì tôi thích cách chọn vấn đề của Báo.
– Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội
Trong quá trình làm đại biểu dân cử ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất suốt gần 20 năm qua, báo chí đối với tôi luôn là kênh thông tin quan trọng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội lần đầu tiên có số kỳ họp bất thường bằng số kỳ họp bình thường, với nhiều quyết sách chưa có tiền lệ. Từ kinh nghiệm của 4 khóa tham gia Quốc hội, thực sự nhiều lúc tôi cũng không khỏi băn khoăn khi bấm nút quyết định một số chính sách đặc thù (như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế tại Nghị quyết số 43/2022/QH15), hay một số chính sách mới tại các luật về đất đai, nhà ở, các tổ chức tín dụng…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội |
Với Nghị quyết số 43/2022/QH15, thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù còn chưa đồng bộ, kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Kết quả kiểm toán cho thấy tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu của Nghị quyết. Việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không nói đến “vai trò” của những thủ tục hành chính rườm rà, nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội có bày tỏ là “không thể hiểu nổi” tại sao một nhà máy ô tô ở Thượng Hải (Trung Quốc) quy mô hàng tỷ USD mà từ khi khởi công đến khi khánh thành chỉ có 11 tháng, hay một trung tâm thương mại như AEON ở nước bạn chỉ mất 2 tháng từ khi khởi công đến đưa vào kinh doanh. Vậy thì từ thủ tục, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai thế nào?
Bộ trưởng sốt ruột khi “người ta như vũ bão, còn chúng ta cứ theo các thể chế hiện nay thì cái gì cũng xin – cho, cứ đá lên, đá xuống, vòng qua vòng lại, nên rất lâu, nếu như không cải cách nhanh, thì nhà đầu tư chuyển sang chỗ khác hết”.
Tại đợt họp thứ 2 của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã đồng ý xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, với mục tiêu sớm đưa chính sách vào cuộc sống (dự kiến sớm hơn thời gian đã được Quốc hội quyết định là 5 tháng).
Nội dung này dự kiến được thảo luận tại hội trường vào chiều 21/6 – dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhưng trước đó, tôi đã đọc nhiều ý kiến trên Báo Đầu tư từ phiên họp thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Những ý kiến thắng thắn đó là kênh tham khảo hữu ích, chắc không chỉ cho mình tôi.
Nói rộng hơn về vai trò của báo chí – cầu nối giữa đại biểu với cử tri, như đã nói, báo chí là kênh thông tin quan trọng với đại biểu dân cử.
Trong 17 năm làm đại biểu dân cử, tôi đã quan tâm, lên tiếng tại nghị trường, theo đuổi việc giải quyết nhiều vấn đề nóng, gần đây là những tiêu cực trong mảng lựa chọn sách giáo khoa. Bên cạnh chính sách chung, tôi cũng theo đuổi liền mấy năm trời để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho 256 giáo viên ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho đến khi toàn bộ số giáo viên này được vào biên chế sau hàng chục năm cống hiến. Những việc đó đều có sự đóng góp của báo chí trong việc đưa tin khách quan, bảo vệ cái đúng và đấu tranh với cái chưa đúng.
Mỗi kỳ họp Quốc hội có hàng vạn tin, bài trên báo chí, đại biểu không có đủ thời gian đọc hết, nên cần có sự chọn lọc. Tôi đọc Báo Đầu tư hằng ngày, vì tôi thích cách chọn vấn đề của Báo. Chẳng hạn, ngay từ khi họp báo trước thềm kỳ họp, phóng viên của Báo đã đặt câu hỏi rất xác đáng về xử lý những vấn đề liên quan đến cải cách tiền lương trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Sau đó, khi thảo luận tại hội trường, Báo Đầu tư cũng phản ánh rất nhanh và chính xác những ý kiến, tuy không phải là của số đông, nhưng đề cập những vấn đề cốt tử của Dự thảo luật, mà nếu không được xử lý thỏa đáng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người thuộc đối tượng chịu sự tác động của Luật.
Tôi thích cách làm này và mong rằng, Báo Đầu tư duy trì cách làm như vậy trong hoạt động báo chí nghị trường nói riêng và xây dựng chính sách nói chung.