- Home
- Kinh tế - Tài chính
- TP.HCM sắp xây nhà hát 2.000 tỷ đồng; 581 tỷ đồng làm cầu vượt sông Ninh Cơ
TP.HCM sắp xây nhà hát 2.000 tỷ đồng; 581 tỷ đồng làm cầu vượt sông Ninh Cơ
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Khánh thành Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên, vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng
Sáng 16/6/2024, tại đường tránh TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ Khánh thành Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.
Đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Dự án |
Phát biểu đại diện cho chính quyền và nhân dân địa phương, Phó chủ tịch phụ trách điều hành UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên sau hơn 2 năm triển khai thi công đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, đáp ứng được mong mỏi của bà con nhân dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 91, trung tâm Thành phố Long Xuyên, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Châu Đốc về cầu Vàm Cống còn khoảng 1 giờ so với 2 giờ như hiện nay.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Thành phố Long Xuyên nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án Kết nối đồng bằng Mekong đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 05/5/2017. Ngày 22/11/2018, Dự án được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2527/QĐ-BGTVT và được Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công vào ngày 18/1/2022.
Dự án có chiều dài tuyến xây dựng mới là 15,3 km và đoạn nâng cấp cải tạo Quốc lộ 80 với chiều dài khoảng 2 km. Điểm đầu của dự án tại Km7+877,13 kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống từ Quốc lộ 80 đến nút giao Lộ Tẻ, sau đó vượt Quốc lộ 80 tuyến đi tránh thành phố Long Xuyên, vượt đường tỉnh 943 và sông Long Xuyên bằng cầu Long Xuyên kết nối về điểm cuối tại Km23+561,22, vị trí giao với Quốc lộ 91 tại km65+000, thuộc địa phận thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Quy mô đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề đường, vận tốc thiết kế 80 km/h; riêng đoạn cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 80 hiện hữu, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc 60 km/h (theo TCVN 4054:2005). Tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù gặp một số khó khăn như: thiếu vật liệu đắp nền đường (khoảng 1,6 triệu m3 cát); thiếu nguồn cát hạt thô làm lớp đệm cát thoát nước trong xử lý đất yếu nên phải điều chỉnh giải pháp xử lý đất yếu; thay đổi điều chỉnh thiết kế cầu để bổ sung đường chui dân sinh dưới cầu theo đề nghị của địa phương… nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của Bộ GTVT, dự án đã về đích thành công.
Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên hoàn thành và đưa vào khai thác nhằm từng bước giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua thành phố Long Xuyên, kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Dự án còn là một mảnh ghép rất quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung; đồng thời đáp ứng được mong mỏi của người dân, rút ngắn thời di chuyển từ Thành phố Châu Đốc về cầu Vàm Cống.
Phát lệnh khánh thành tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm biểu dương các cơ quan thuộc Bộ, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Liên danh Tư vấn và các nhà thầu thi công, đặc biệt là các công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý đã không quản ngày đêm trên công trường, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực để đưa Dự án về đích.
Để công trình đưa vào khai thác an toàn, phát huy hiệu quả đầu tư, Thứ trưởng yêu cầu Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng với các chủ thể có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cùng với các cấp chính quyền địa phương tập trung hoàn thiện các hạng mục phụ trợ còn lại, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác hướng dẫn phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác… Góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung.
Đề xuất đưa dự án Khu công nghiệp Quảng Trị vào Khu kinh tế Đông Nam
Theo ông Tan Yit Liang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị, tại văn bản số 2418/UBND-KT ngày 24/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị thực hiện thông báo về kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ tại phiên làm việc với UBND tỉnh và nhà đầu tưvề tình hình triển khai và chuẩn bị khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, theo đó, đối với nội dung đưa Khu công nghiệp Quảng Trị vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị đã có ý kiến: “Sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét”.
Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị đang được triển khai xây dựng giai đoạn 1 |
Đến ngày 29/2/2023, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg. Quyết định này ghi nhận “Khu công nghiệp Quảng Trị – địa điểm huyện Hải Lăng (Khu kinh tế Đông Nam)”. Và Phụ lục XXI của Quyết định số 1737/QĐ-TTg cũng đồng thời ghi nhận dự án Khu công nghiệp Quảng Trị là một trong các dự án ưu tiên thực hiện thời kỳ 221-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Liên doanh Phát triển Quảng Trị, đã gần 6 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị, do vậy, Công ty kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị và Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Trị sớm xúc tiến các bước tiếp theo để đưa KCN Quảng Trị vào trực thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
“Chúng tôi tin rằng, việc đưa Khu công nghiệp Quảng Trị vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị sẽ nâng cao tính cạnh tranh của dự án để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị”, ông Tan Yit Liang nhấn mạnh.
Được biết, dự án Khu công nghiệp Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 23/3/2021. Dự án do Công ty TNHH Liên danh Phát triển Quảng Trị – QTIP (liên doanh các nhà đầu tư VSIP-Amata-Sumitomo) làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô sử dụng đất 481,2 ha; tổng vốn đầu tư dự án 2.074 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1, dự án có diện tích 97,4 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 504 tỷ đồng; tiến độ thực hiện 2021-2025. Dự án đã được khởi công vào ngày 15/12/2023.
Đây là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp được tỉnh Quảng Trị đặt nhiều kỳ vọng về việc sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn thứ cấp vào.
Ngay trong buổi lễ khởi công dự án vào ngày 15/12/2023, đã có 5 doanh nghiệp đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để thuê đất tại Khu công nghiệp Quảng Trị. Trong đó, Công ty Winzen Holding của Hồng Kông (Trung Quốc) và công ty Join Success Wealth của Singapore có kế hoạch thực hiện sản xuất may mặc tại Khu công nghiệp, cùng với ba doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất đồ nội thất và phân phối xe máy.
Theo Công ty TNHH Liên danh Phát triển Quảng Trị cho biết, hiện nay nhà thầu đang triển khai thi công phần san nền phạm vi nhà máy nước thải và các khu vực lân cận để chuẩn bị đón nhà đầu tư thứ cấp vào cuối năm; đồng thời, tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công nhà máy nước thải. Dự kiến đến tháng 8/2024, hạng mục nhà máy nước thải sẽ được triển khai xây dựng.
TP.HCM chuẩn bị đầu tư trung tâm hóa chất 10,6 ha tại Bình Chánh
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) vừa có văn bản số 1587/BQL-ĐT gửi Sở Công thương TP.HCM về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kho Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất tại Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân 3, huyện Bình Chánh.
Việc xây dựng Trung tâm, kinh doanh hương liệu, hóa chất sẽ giúp việc quản lý mua bán hóa chất được tốt hơn. Trong ảnh là chợ Kim Biên, Quận 5 nơi kinh doanh hóa chất giữa lòng trung tâm TP.HCM. |
Theo nội dung văn bản của Hepza, thông qua các cuộc họp vào tháng 9/2022 và cuộc họp mới nhất ngày 5/6/2024 giữa Sở Công Thương với Hepza và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Công ty Sài Gòn VRG) đã thống nhất chủ trương dành một phần quỹ đất trong KCN Lê Minh Xuân 3 để đầu tư Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất của Thành phố.
Tuy nhiên, việc triển khai đến nay chưa đúng tiến độ đã thống nhất vì theo báo cáo của Công ty Sài Gòn VRG, công ty chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề, quy mô, diện tích, …
Việc này ảnh hưởng đến quy trình lập Dự án và việc thi công xây dựng kho xưởng phục vụ theo nhu cầu như Đề án của Sở Công Thương.
Để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện vì dự án này đang rất cấp bách, Hepza đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ Công ty Sài Gòn VRG thống kê số lượng các doanh nghiệp di dời, chủng loại hóa chất, quy mô, diện tích, … để lập phương án, kế hoạch và tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng.
Dự kiến, thời gian thực hiện các thủ tục và hoàn thành công trình xây dựng để đi vào hoạt động khoảng 18 tháng (đối với trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch 1/2000 Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3).
Trong trường hợp tiến độ thực hiện không đúng như đã thống nhất, Hepza sẽ dành diện tích 10,6 ha này để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên khác.
Trước đó, vào năm 2016, UBND TP.HCM đồng ý chủ trương cho phép triển khai Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất tại khu đất có diện tích 11,2 ha tại phường 7, Quận 8. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai gặp nhiều khó khăn và không khả thi.
Do vậy, Sở Công Thương, Hepza và Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG đã thống nhất kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương chọn khu đất Lô G (G1-G5) Khu A, KCN Lê Minh Xuân 3 với diện tích 10,6 ha để đầu tư Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất.
Việc đầu tư Trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất tập trung nhằm giải quyết tình trạng kinh doanh, tồn trữ hóa chất nguy hiểm gây mất an toàn trong khu dân cư; kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn phòng chống cháy, nổ.
Quảng Nam đề nghị bổ sung kinh phí để giải phóng mặt bằng dự án hơn 1.800 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn gửi Bộ Giao thông – Vận tải về việc đề xuất bổ sung kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E.
Quảng Nam đề nghị bổ sung kinh phí bồi thường,giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E. |
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tại vị trí cầu vượt đường sắt dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn qua huyện Thăng Bình hiện có 59 hộ dân bị ảnh hưởng cầu vượt đường sắt là 63 thửa, trong đó, đã ban hành văn bản đủ điều kiện bồi thường về đất 51 thửa, 5 thửa vướng tranh chấp và 7 thửa xã Bình Quý đang hoàn thiện hồ sơ để trình văn bản đủ điều kiện bồi thường.
Theo khảo sát thực tế của tỉnh Quảng Nam các trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến cuộc sống của các hộ dân và dự kiến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có 38/59 hộ có ý kiến muốn di dời tái định cư, 6/59 hộ muốn ở lại, 15/59 hộ đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở.
UBND tỉnh Quảng Nam dự kiến kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp cả 59 hộ (63 thửa) đều di dời tái định cư là 111,15 tỷ đồng, 126 lô tái định cư; Trường hợp 38 hộ di dời tái định cư có tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 38 hộ di dời 55,57 tỷ đồng, 76 lô tái định cư và kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 15 hộ đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở là 35,7 tỷ đồng với 38 lô tái định cư.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải xem xét, thống nhất chủ trương bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần thu hồi ngoài vệch giải phóng mặt bằng tại khu vực cầu vượt đường sắt Bắc – Nam của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E theo các phương án nêu trên để UBND huyện Thăng Bình có cơ sở thông tin đến các hộ dân và triển khai các thủ tục liên quan theo đúng quy định.
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (đoạn km15+270 – km89+700) qua các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam được triển khai khởi công vào ngày 7/3/2023. Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 4 là đơn vị được giao quản lý dự án. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư là 1.848,239 tỷ đồng; tiến độ thực hiện giai đoạn năm 2021 – 2025.
Công trình chia làm 3 gói thầu: Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Tân Hoàng Long – Công ty CP Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An (sau đổi thành Công ty CP Tập đoàn Thuận An) – Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình Tây An trúng gói thầu XD02 thi công xây dựng đoạn km40+00 – km71+500. Giá trúng thầu gói thầu XD02 hơn 507 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án 4 (Đơn vị quản lý dự án, thuộc Cục đường bộ Việt Nam) cho biết, huyện Thăng Bình bàn giao 11,88 Km/121 đoạn, trong đó 2,17 km/69 đoạn chưa thi công do chiều dài nhỏ lẻ và các hộ gia đình ngăn cản không cho thi công.
Hiện còn 178 trường hợp chưa trình thẩm định hồ sơ đủ điều kiện bồi thường. Riêng phạm vi cầu vượt đường sắt (thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) vướng 63 thửa đất của 63 hộ.
Mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng đã đi kiểm tra thực tế dự án và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt để thi công dự án.
Ông Dũng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm, cần ưu tiên số 1 quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai. Tiến độ dự án hiện đạt 70% tuy nhiên hiện khối lượng công việc còn rất nhiều.
“Lãnh đạo địa phương và các đơn vị phải chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng tháo gỡ vướng mắc. Cần thiết đến nước rút thì phải bảo vệ thi công, cưỡng chế thi công với trường hợp chây ì. Đối với các ngành của tỉnh, đề nghị hết sức trách nhiệm khi bàn đến dự án Quốc lộ 14E, tránh tình trạng đẩy qua đẩy lại”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, sở, ngành cùng tìm hướng xử lý những vướng mắc phát sinh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời chú ý vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, sinh hoạt người dân trong vùng dự án…
Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án viên nén năng lượng 186 tỷ đồng
Ngày 18/6, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 1435/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Hải Lăng cho Công ty CP Năng lượng xanh Hải Lăng.
Sản phẩm dự án là viên nén năng lượng làm từ dăm gỗ – Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Theo đó, Dự án được thực hiện tại Cụm công nghiệp Hải Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dự án có diện tích sử dụng đất 3 ha, công suất thiết kế 90.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm, dịch vụ cung cấp là viên nén năng lượng.
Dự án có tổng mức đầu tư 186 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 37,2 tỷ đồng và vốn huy động 148,8 tỷ đồng.
Dự kiến dự án sẽ được thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng…từ quý IV/2024, và hoàn thiện đi vào hoạt động trong quý III/2025.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án được thực hiện tại Cụm công nghiệp Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi theo quy định nên được hưởng một số ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu.
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ và các nội dung đã cam kết. Phối hợp với UBND huyện Hải Lăng thực hiện bổ sung dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ và các nội dung đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Được biết, Công ty CP Năng lượng xanh Hải Lăng được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Trị vào ngày 7/3/2023. Doanh nghiệp có trụ sở tại Cụm công nghiệp Hải Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, do ông Phan Tiến Dũng (SN 1970), trú tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, Quảng Bình làm người đại diện pháp luật.
Công ty CP Năng lượng xanh Hải Lăng có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Văn Dũng góp 22 tỷ đồng; ông Phan Tiến Dũng góp 10 tỷ đồng và ông Nguyễn Minh Thái góp 8 tỷ đồng.
TP.HCM sắp xây nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch gần 2.000 tỷ đồng tại Thủ Thiêm
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM về phương án thiết kế Dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.
Phối cảnh ban đầu của Dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ về thiết kế kiến trúc, công năng sử dụng, sự đồng bộ, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan, không gian kiến trúc đô thị.
Lãnh đạo UBND TP.HCM lưu ý cần nghiên cứu một số đặc trưng nổi trội của phương án thiết kế S99 (dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa, ẩm thực… ), để bổ sung và hoàn thiện phương án thiết kế D12, bảo đảm phương án thiết kế kiến trúc xây dựng nhà hát hiện đại, đa chức năng, phục vụ được nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật như opera, giao hưởng, vũ kịch, cải lương, hội thảo….
Việc thiết kế sân khấu phục vụ biểu diễn phải đáp ứng các yêu cầu của sân khấu hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TP.HCM.
Quá trình chuẩn bị cần nghiên cứu, tiếp thu thiết kế mỹ thuật các nhà hát nổi tiếng của các nước, để thực hiện bảo đảm các tiêu chí về ý tưởng kiến trúc nhà hát hiện đại, có tính bền vững …
UBND TP.HCM cũng đề nghị các sở, ngành nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư một vài hạng mục nhằm xây dựng nhà hát tương xứng tầm vóc của TP.HCM.
Trước đó, ngày 10/6/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (gọi tắt Ban Quản lý) có văn bản số 1228/DDCN-BĐH2, gửi UBND TP.HCM kiến nghị giao cho Ban Quản lý phối hợp với Công ty Gmp International GmbH (là tác giả của phương án mã số D102- với tổng mức đầu tư 1.988 tỷ đồng) lập và trình UBND Thành phố phê duyệt dự toán chi phí tư vấn thiết kế công trình để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Đồng thời, chấp thuận cho Ban Quản lý trình thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán phần móng hầm để đảm bảo tiến độ khởi công Dự án vào dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2025.
Thay chủ đầu tư dự án xây dựng, khai thác hạ tầng Khu công nghiệp số 3 – Khu kinh tế Nghi Sơn
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 525/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng Khu công nghiệp số 3 – Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp số 3 – Khu kinh tế Nghi Sơn |
Theo Quyết định, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng khu công nghiệp số 3 – khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trước đây là Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Miền Trung, nay được điều chỉnh thành nhà đầu tư: Công ty TNHH đầu tư khai thác hạ tầng khu công nghiệp số 3 Nghi Sơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về khu công nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Thanh Hóa đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo dự án có đủ điều kiện tiếp tục triển khai theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bảo đảm điều kiện thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai có liên quan đến dự án. Bố trí đủ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước cho thị xã Nghi Sơn để đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong Quý IV/2024.
Tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy mô diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án tại các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Tập trung hỗ trợ và giải quyết các vướng mắc, khó khăn liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền; tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng quy định và theo đúng mốc thời gian đã cam kết; bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thi công dự án đúng tiến độ đã thống nhất giữa các bên; giải quyết các vướng mắc về nguồn gốc đất, tranh chấp đất đai; phối hợp với nhà đầu tư giải quyết các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Công ty TNHH đầu tư khai thác hạ tầng khu công nghiệp số 3 Nghi Sơn (nhà đầu tư) đảm bảo hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án trong tiến độ thực hiện dự án đầu tư trong Quý IV/2025. Đảm bảo bố trí đủ vốn chủ sở hữu theo cam kết để thực hiện dự án và tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.
Điều chỉnh quy mô diện tích của dự án theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không thể thực hiện được việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng trong khu vực thực hiện dự án.
Cam kết không khiếu nại, khiếu kiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp dự án bị cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư/cơ quan đăng ký đầu tư quyết định ngừng/ngừng một phần hoặc chấm dứt/chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư khi nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trình lại phương án đầu tư tuyến cao tốc Hà Nam – Nam Định 7.850 tỷ đồng
UBND tỉnh Nam Định vừa có Tờ trình số 68/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định (CT.11).
Một đoạn Quốc lộ 21 qua Nam Định. |
Đây là tờ trình thứ hai trong vòng 3 tháng gần đây của UBND tỉnh Nam Định liên quan đến việc đầu tư tuyến cao tốc Hà Nam – Nam Định, sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Tại Tờ trình số 68, ông Phạm Đình Nghị – Chủ tịch UBDN tỉnh Nam Định kiến nghị người đứng đầu Chính phủ ho phép UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Kinh phí thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND tỉnh Nam Định tự bố trí).
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 25,1 km được đề xuất quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành 2 bên.
Phương án đầu tư dự kiến là đầu tư công kết hợp giữa nguồn vốn đầu tư của Chính phủ ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định được UBND tỉnh Nam Định, Hà Nam cam kết tự bố trí ngân sách 2 tỉnh để thực hiện.
Đối với đoạn BOT (từ trạm thu phí Mỹ Lộc tỉnh Nam Định đến Quốc lộ 10, TP. Nam Định dài khoảng 3,9 km) hết hạn thu phí năm 2028, sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý cho phép được lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND tỉnh Nam Định sẽ lên phương án đàm phán để thanh lý hợp đồng vào năm 2025 (thời điểm dự kiến khởi công dự án) bằng ngân sách tỉnh để đầu tư đồng bộ theo quy mô đường cao tốc trên toàn tuyến, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Cũng tại Tờ trình số 68, UBND tỉnh Nam Định kiến nghị Thủ tướng giao địa phương này làm cơ quan chủ quản triển khai Dự án xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định.
“UBND tỉnh Nam Định cam kết triển khai thực hiện các thủ tục dự án theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ và thời gian thực hiện dự án khi được Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ ngành liên quan cho phép”, ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định sẽ được thực hiện trên cơ sở tận dụng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ nền mặt đường tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ TP. Phủ Lý – tỉnh Hà Nam đến TP. Nam Định – tỉnh Nam Định đã có, theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên theo TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 100 km/h, đường song hành, đường gom 2 bên theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, xây dựng cầu vượt, đường trên cao qua các nút giao thông quan trọng.
Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 7.850 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng phần đường cao tốc khoảng 1.463 tỷ đồng (24 km); chi phí xây dựng phần cầu khoảng 2.054 tỷ đồng; chi phí xây dựng phần đường song hành dọc 2 bên tuyến là khoảng 1.219 tỷ đồng (48 km); chi phí xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống ITS và một số hạng mục phụ trợ khoảng 326 tỷ đồng; sơ bộ chi phí GPMB khoảng 1.000 tỷ đồng; chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, chi phí khác: khoảng 506 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.282 tỷ đồng.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam – Nam Định sẽ được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2028.
Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất đã xong phần thô, khai thác vào ngày 30/4/2025
Ngày 19/6, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin về tiến độ xây dựng Dự án nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
nhà thầu đang lắp đặt kết cấu khung thép cho phần mái của nhà ga T3, Sân bay Tân Sơn Nhất- Ảnh: Lê Minh |
Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3 cho biết, tiến độ chung của Dự án đến nay đạt khoảng 60%. Trong đó, phần thô của nhà ga hành khách đã hoàn thành vượt tiến độ 15 ngày.
Đối với nhà để xe (2 tầng hầm, 4 tầng nổi), tiến độ đạt 96%, dự kiến hoàn thành vào 30/6/2024. Một số hạng mục khác như nhà cơ điện, trạm xử lý nước thải đều đã hoàn thành.
Hiện tại, nhà thầu đang tiến hành lắp dựng kết cấu khung thép, vách kính và lợp mái nhà ga. Đây là phần găng của dự án, được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, lắp dựng kết cấu thép đến đâu sẽ thực hiện lợp mái và lắp vách kính đến đó để đảm bảo cho công tác hoàn thiện và lắp thiết bị trong nhà.
Trong quý IV/2024, các thiết bị chính trong nhà ga sẽ được lắp đặt để hoàn thành đưa vào khai thác vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2025.
Dù tiến độ Dự án vẫn được đảm bảo nhưng ông Lê Khắc Hồng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay khi thi công dự án là mặt bằng công trường chật hẹp, thiếu đường công vụ. “Nhiều lúc nhà thầu phải tận dụng cả phần đất trong lòng nhà ga để làm đường công vụ vận chuyển vật liệu. Do phải thi công xong hạng mục này thì mới làm được hạng mục khác nên Dự án không thể làm đồng loạt cùng lúc” ông Hồng nêu khó khăn.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gồm 4 hạng mục chính: nhà ga hành khách; nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không; hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng bằng nguồn vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và vốn vay thương mại.
Sau khi hoàn thành nhà ga T3 sẽ đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, giảm tải cho nhà ga T1 và giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Quảng Trị xem xét đề xuất 6 dự án của Liên danh Newtechco
Chiều 19/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã có buổi làm việc với Liên danh Công ty CP Newtechco Group, Quỹ Makara Capital Partners Pte., Ltd và Sakae Corporate Advisory Pte.Ltd (Liên danh nhà đầu tư) về đề xuất nghiên cứu đầu tư các Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng trao đổi với Liên danh nhà đầu tư. Ảnh: Lê Trường |
Tại buổi làm việc, bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty CP Newtechco Group đại diện Liên danh nhà đầu tư đã báo cáo đề xuất nghiên cứu đầu tư 6 dự án tại Quảng Trị bao gồm:
Dự án Khách sạn 5 sao và nhà ở công viên Cọ Dầu tại TP. Đông Hà, diện tích 3,49 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.630 tỉ đồng. Dự án gồm khu phức hợp khách sạn cao 15 – 16 tầng, 250 phòng phục vụ lưu trú cho 500 – 700 khách/ngày đêm và khu nhà ở thương mại 4 – 5 tầng.
Dự án Khu nhà ở hỗn hợp hồ Trung Chỉ tại Phường 5, TP. Đông Hà, tổng vốn xây dựng trên 1.463 tỉ đồng với 198 căn nhà.
Dự án Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng hồ Tân Độ tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa với tổng mức đầu tư trên 98,7 tỉ đồng, diện tích dự kiến là 8,16 ha.
Dự án Tổ hợp Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh – giai đoạn 1 có quy mô khoảng 204 ha. Tổ hợp Khu du lịch dịch vụ đô thị, sân golf tại xã Trung Giang, huyện Gio Linh trên diện tích khoảng 145 ha. Dự án Nhà máy chế biến cà phê Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành và Liên danh nhà đầu tư đã thảo luận về các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, các kết quả khảo sát sơ bộ, đánh giá về sự phù hợp giữa quy hoạch và quy mô, tổng mức đầu tư của các dự án đề xuất.
Theo đó, đề xuất 2 dự án Khách sạn 5 sao, nhà ở công viên Cọ Dầu và Khu nhà ở hỗn hợp hồ Trung Chỉ của nhà đầu tư hiện nay chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP. Đông Hà và chưa phù hợp với Quy hoạch phân khu phường Đông Lương phê duyệt năm 2014, Quy hoạch phân khu Phường 5 phê duyệt năm 2013.
Với Tổ hợp Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh – giai đoạn 1 và Tổ hợp Khu du lịch dịch vụ đô thị, sân golf tại xã Trung Giang, qua đối chiếu với bản đồ do chủ đầu tư cung cấp thì 2 dự án đang chồng lấn với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng mong muốn phía Liên danh nhà đầu tư Newtechco sẽ tích cực phối hợp các sở, ban, ngành của tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc, sớm có văn bản đề xuất cụ thể đối với từng dự án để tỉnh có cơ sở xem xét cấp chủ trương đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan kết nối, tiếp tục cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục các dự án đã đề xuất để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Chủ tịch Võ Văn Hưng cũng bày tỏ mong muốn nhà đầu tư tập trung nguồn lực để sớm thực hiện hóa các dự án đã nghiên cứu theo đúng cam kết, thúc đẩy sự phát triển kinh tếxã hội ở địa phương và góp phần xây dựng Quảng Trị phát triển ngày càng bền vững và giàu đẹp.
Đầu tư 581 tỷ đồng xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 747/QĐ – BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B.
Cầu phao Ninh Cường. |
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 1,65km, kết nối huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định với điểm đầu tại Km0+00 (khoảng Km73+200 theo lý trình Quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại Km1+650 (khoảng Km74+500 theo lý trình Quốc lộ 37B), thuộc địa phận thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Cụ thể, từ lý trình khoảng Km73+200 trên Quốc lộ 37B, tuyến rẽ trái sau đó đi thẳng vượt sông Ninh Cơ thông qua cầu Ninh Cường, vị trí cách cầu phao hiện hữu khoảng 80m về phía hạ lưu, sau đó đi thẳng tới điểm cuối tại lý trình khoảng Km74+500.
Theo Quyết định số 747, cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ dài 892m, được thiết kế với tải trọng HL93 theo TCVN 11823:2017, quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng cầu 12m; đường dẫn hai đầu cầu có quy mô đường cấp III đồng bằng 80km/h, quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12m; đường gom, đường hoàn trả được xây dựng theo quy mô đường giao thông nông thôn theo TCVN 10380:2014 và phù hợp với quy mô đường hiện hữu.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 581,189 tỷ đồng, tương đương khoảng 24,131 triệu USD với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế – EDCF) trị giá 465,722 tỷ đồng, tương đương khoảng 19,337 triệu USD, được sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA và vốn đối ứng (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) khoảng 115,467 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án là từ năm 2024 đến năm 2027.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện quản lý dự án theo quy định và chủ động nghiên cứu, xác định nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng theo quy định.
Việc đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B thay thế cho cầu phao Ninh Cường sẽ kết nối thuận lợi trên tuyến Quốc lộ 37B giữa huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh, khắc phục tình trạng gián đoạn giao thông thủy trên sông Ninh Cơ; qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung.
Thủ tướng thúc tiến độ nghiên cứu phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho giao thông
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng các bộ: tài chính; – GTVT và Kế hoạch và Đầu tư để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Thi công cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn |
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung rà soát, hoàn thiện báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6/2024.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo nội dung này theo tinh thần trọng tâm, trọng điểm, xử lý có hiệu quả ngay, nhất là các Dự án đã xong thủ tục đang cần vốn thuộc lĩnh vực giao thông, các động lực tăng trưởng mới và dứt khoát không dàn trải.
Được biết, tại Thông báo số 250/TB – VPCP ngày 31/5/2024, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ, khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18/5/2024.
Theo đó, tại Thông báo số 231, Thủ tướng đã khẳng định tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội; trước mắt nghiên cứu phát hành thêm khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.
Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ GTVT và các chủ đầu tư “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; quyết tâm hoàn thành mục tiêu 3000 km cao tốc trước 31/12/2025.
Trong công văn số 4243/BKHĐT – PTHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu Chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, giao Bộ GTVT ưu tiên đầu tư mở rộng các dự án cao tốc 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh trên tuyến cao tốc Bắc – Nam theo quy mô quy hoạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm.
Dự án cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ đồng hút nhà đầu tư trong nước
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vừa có Văn bản số 7494/SKHĐT-PPP trả lời Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Phương Đông về đề xuất làm nhà đầu tư Dự án cầu Cần Giờ.
Phối cảnh cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ. |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo Điều 26, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020, một trong những điều kiện đối với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất là: “Không trùng với dự án PPP đang được cơ quan có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đã chấp thuận nhà đầu tư khác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”.
Đối với Dự án cầu Cần Giờ, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Giao thông – Vận tải làm đơn vị chuẩn bị dự án, chịu trách nhiệm lập, trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án.
Vì vậy, doanh nghiệp quan tâm đến dự án có thể đăng ký thực hiện trong quá trình Thành phố tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư để được xem xét.
Trước đó, vào tháng 1/2024, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (thuộc Trung Nam Group) cũng đề xuất tham gia xây dựng cầu Cần Giờ theo hình thức đối tác công – tư (PPP).
Trước đây, Trung Nam Group liên danh với Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cầu Cần Giờ.
Dự án trước đây thực hiện theo hình thức BOT kết hợp với BT. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 18/6/2020, trong các hình thức đầu tư không còn loại hợp đồng BT. Vì vậy, Dự án cầu Cần Giờ chưa được thông qua chủ trương đầu tư.
Năm 2022, UBND TP.HCM có chủ trương khởi động lại Dự án cầu Cần Giờ và giao Sở Giao thông – Vận tải thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.
Hiện tại, dự án cầu Cần Giờ đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua vào kỳ họp giữa năm 2024. Nếu được HĐND Thành phố thông qua cây cầu này sẽ khởi công dịp 30/4/2025.
Mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
Ngày 21/6, Liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã tiến hành mở cửa hầm phải phía Tây hầm số 2 thuộc Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1. Đây là cửa hầm đầu tiên được mở trên toàn tuyến dự án cao tốc này.
Hầm số 2 được xây dựng tại khoảng Km72 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) gồm 2 ống hầm (trái, phải) dài gần 500m.
Thiết bị đặc chủng phục vụ thi công hầm đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. |
Theo báo cáo của Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh – doanh nghiệp Dự án, tính đến giữa tháng 6/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã tiến hành bàn giao mặt bằng đối với phần công địa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng thuộc Dự án PPP đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đạt 35,36/41,55 km tương đương 85%, đáp ứng tiến độ tổ chức thi công.
Dự kiến đến tháng 7/2024, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương này.
Đối với phạm vi tại tỉnh Lạng Sơn, khối lượng mặt bằng được bàn giao cho đơn vị thi công mới đạt 5,45/51,8 km tương đương 10,5%. Theo kế hoạch, UBND Lạng Sơn sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng công địa tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh thuộc phạm vi tỉnh Lạng Sơn trong tháng 9/2024.
Đại diện Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cho biết, mặc dù nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo 2 tỉnh nhưng khối lượng vật liệu đất đắp toàn dự án đang thiếu khoảng 4 triệu m3. Bên cạnh việc bổ sung 4 mỏ đất mới, doanh nghiệp dự án đã thực hiện thi công hạ cốt san nền các khu vực quanh dự án. Hiện doanh nghiệp dự án đang phối hợp với các bên liên quan thực hiện các thủ tục với địa phương tỉnh để hoàn thành việc cấp phép khai thác để khai thác các mỏ đất theo cơ chế đặc thù.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, các đơn vị thi công Dự án đã huy động 467 nhân sự, 199 máy móc thiết bị, triển khai 19 mũi thi công đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao.
“Chúng tôi đang nghiên cứu tổ chức phát động phong trào thi đua, xây dựng cơ chế khen thưởng đối với các nhà thầu để thúc đẩy hoạt động thi công toàn dự án”, đại diện Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh cho biết, mặc dù hiện đã mở cửa thi công hầm số 2 nhưng mặt bằng cho bãi thải và khu chức năng trạm trộn bê tông vữa chưa được bàn giao, kiến nghị UBND tỉnh Cao Bằng đẩy nhanh GPMB và thống nhất bổ sung cấc bãi thải phát sinh trong quá trình thi công.
Ông Nguyễn Đức Tuấn mong muốn UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Chính phủ để bổ sung đủ chỉ tiêu sử dụng đất cho dự án trong quý IV/2024; chấp thuận bổ sung 4 mỏ vật liệu đất theo đề xuất Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh; đồng thời, chấp thuận phương án cải tạo tận dụng đất dôi dư theo đúng quy định để đáp ứng nguồn vật liệu đất đắp thi công.
Trước đó, vào ngày 11/6/2024, Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện dự án và tiếp tục đẩy mạnh triển khai các công việc trọng tâm.
Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng đề nghị UBND các huyện có dự án đi qua khẩn trương phê duyệt phương án, dự toán đền bù GPMB cho người dân, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cho Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh thi công đúng tiến độ.
“UBND các huyện trong thẩm quyền của mình cần nhanh chóng triển khai các thủ tục thực hiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/2003/QH15. Tích cực làm việc với tỉnh Lạng Sơn để điều chỉnh hướng tuyến, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án”, Bí thư Trần Hồng Minh chỉ đạo.
Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện Dự án giai đoạn 1.
Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành có vai trò tăng cường kết nối giao thương trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng cả nước.
Đã có nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ Km47+500 cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Ảnh minh hoạ. |
Theo đó nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh FUTABUSLINES – THÀNH HIỆP PHÁT (Liên danh Công ty Cổ phần xe khách phương Trang FUTABUSLINES – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát) với giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước là 260 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án (M1) là 290,716 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) là 3,342 tỷ đồng.
Tiến độ tổng thể Dự án là 15 tháng, trong đó thời gian hoàn thành các hạng mục công trình dịch vụ công là 12 tháng; thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.
Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Thăng Long với vai trò là bên mời thầu căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 23/2024/NĐ-CP. Trong quá trình thực hiện lưu ý đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện các công trình công cộng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Được biết tại Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tới 7 liên danh nhà đầu tư đã nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có những đơn vị rất mạnh như: Petrolimex, Anh Phát Petro…
Dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ Km47+500 thuộc Dự án thành phần Phan Thiết – Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai tại xã Xuân Hoà, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Quy mô diện tích tổng thể mặt bằng trạm dừng nghỉ khoảng 12.000m2, trong đó trạm bên phải tuyến có tổng diện tích khoảng 62.000m2; trạm bên trái tuyến có tổng diện tích khoảng 57.000m2.
Các hạng mục xây dựng dự kiến bao gồm: công trình dịch vụ công; công trình dịch vụ thương mại và công trình bổ trợ. Trong đó, công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) bao gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Đồng Nai giới thiệu 36 dự án thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư
Ngày 21/6 UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị giới thiệu danh mục dự kiến các Dự ánưu tiên đầu tư trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phối cảnh Khu tổ hợp đổi mới sáng tạo,nghiên cứu 300 ha nằm ở phái Tây Bắc sân bay Long Thành |
Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030 sẽ kêu gọi đầu tư 36 dự án thuộc 5 lĩnh vực gồm: công nghiệp 6 dự án; dịch vụ 6 dự án; đô thị 7 dự án; hạ tầng giao thông 10 dự án và văn hóa, xã hội 7 dự án.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai sẽ mời gọi đầu tư ít nhất 3 khu công nghiệp xanh chuẩn net-zero; một khu công nghệ thông tin tập trung 100 ha tại huyện Long Thành.
Bên cạnh đó, tỉnh mời gọi 4 dự án trung tâm logistics hiện đại cấp vùng cạnh sân bay và cảng biển.
Đối với lĩnh vực hạ tầng, một số dự án quan trọng được đưa vào danh mục đầu tư như: Sân bay Biên Hòa; cầu Cát Lái; đường Vành đai 4, và một loạt chuỗi đô thị xung quanh sân bay Long Thành.
Thông tin đến nhà đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết, hiện nay quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua.
Các dự án đưa vào danh mục mời gọi đầu tư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thông qua và đã báo cáo các cơ quan chức năng của Trung ương nên tính khả thi rất cao.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, việc công bố các danh mục đầu tư để doanh nghiệp tiếp cận được bước đầu với quy hoạch của tỉnh. Từ đó, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị khi tỉnh chính thức công bố quy hoạch sau khi được Chính phủ thông qua.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng chia sẻ quan điểm của tỉnh là công bố quy hoạch minh bạch, công khai để tất cả các nhà đầu tư đều bình đẳng tiếp cận với các dự án. Việc các nhà đầu tư được tiếp cận dự án bình đẳng sẽ giúp Đồng Nai có cơ hội lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.
Theo dự thảo báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Đồng Nai định vị các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế thông qua 4 giá trị gồm: trung tâm kinh tế lấy cảng hàng không làm trọng tâm; trung tâm logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào thương mại điện tử; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại; trung tâm giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng thu hút gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong 5 tháng đầu năm 2024
Ngày 21/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, trong 5 tháng đầu năm năm 2024, thành phố đã cấp chủ trương đầu tư, chứng nhận đăng ký đầu tư ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là hơn 13.917 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. |
Trong đó, có 3 Dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là hơn 7.604 tỷ đồng và 3 dự án điều chỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với vốn tăng thêm là 6.313 tỷ đồng.
Trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, thành phố Đà Nẵng đã thu hút 2 dự án trong nước với vốn đầu tư 810 tỷ đồng; 3 lượt dự án trong nước tăng vốn là hơn 717 tỷ đồng.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 377 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư là 210.817 tỷ đồng và 399 dự án trong nước trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông với vốn 34.458 tỷ đồng.
Với vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố Đà Nẵng tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Đà Nẵng triệu 21,9 triệu USD vốn FDI, số vốn này tăng 12,26% so với cùng kỳ. Trong đó, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới 27 dự án với vốn đăng ký là 22,789 triệu USD.
Lỹ kế đến nay, thành phố Đà Nẵng có 1.012 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,3 tỷ USD; 40.859 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 258.212 tỷ đồng.
Về hoạt động của doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.582 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 5.166 tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thành phố có nhiều điểm sáng.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5/2024 ước đạt 2.296 tỷ đồng tăng 29,5% so với cùng kỳ. kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 67,5 triệu USD, đạt 42% so với kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố có xu hướng tăng trưởng…