- Home
- Doanh nghiệp
- Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội so với mức độ phát triển
Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội so với mức độ phát triển
Vấn đề của những doanh nghiệp đi sau là luôn phải tìm mọi cách để đuổi kịp và vượt lên đối thủ. Doanh nghiệp Việt Nam luôn phải giải quyết vấn đề đó trong bối cảnh có quá nhiều ràng buộc về ngân sách, nhân lực, thông tin, văn hóa, quy mô. Việc đi sau thế giới khá lâu cũng làm gia tăng áp lực lên người lãnh đạo doanh nghiệp.
Đổi mới và sáng tạo có lẽ là câu trả lời khả dĩ nhất, dù rằng không hẳn đã khả thi với tất cả. Đổi mới trong mô hình hoạt động, sáng tạo trong thiết kế sản phẩm dịch vụ. Đổi mới trong tư duy quản trị, sáng tạo trong cách thức tổ chức và triển khai công việc. Sẽ có rất nhiều mất mát đối với những doanh nghiệp không chịu hay không kịp thay đổi. Cũng sẽ có rất nhiều phí tổn cho các doanh nghiệp đã và đang đổi mới sáng tạo nhằm hướng đến tương lai rực rỡ hơn.
Áp lực đổi mới lại càng căng thẳng hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang trải qua những giai đoạn thay đổi triệt để và sâu rộng.
Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey được tiến hành trên 200 tổ chức thuộc các ngành nghề khác nhau chỉ ra rằng có đến 85% CEO tin rằng khủng hoảng sẽ tác động vĩnh viễn lên nhu cầu khách hàng trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên chỉ có 21% tin rằng công ty mình đủ nguồn lực và cam kết để theo đuổi sự tăng trưởng. 2/3 người được khảo sát cho biết đây là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo của họ.
PGS.TS Vũ Minh Khương Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại chức Lễ công bố Danh sách Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 |
Cũng trong khảo sát các doanh nghiệp thuộc Top50 doanh nghiệp Đổi mới Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 (VIE50) của Viet Research có đến 86% doanh nghiệp cho rằng đổi mới, sáng tạo là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 3-5 năm tới. Trong đó chú trọng vào đổi mới sáng tạo cách tân về sản phẩm, công nghệ, quy trình và con người.
Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong VIE50 đặc trưng bởi văn hóa đổi mới sáng tạo, tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, giúp nền kinh tế dễ dàng tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới. Đây được xem là những doanh nghiệp tương lai mang trong mình tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Đây là những thành tựu đáng kể, hiện thực hoá Nghị quyết số 50/NQ-CP năm 2020, yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ có tính chiến lược.
Việt Nam đang được chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển công nghệ, áp dụng số hóa trong cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, đã có những doanh nghiệp đi vào lĩnh vực rất mới và khó như sản xuất chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện… Những xu hướng phát triển mới như phát triển xanh, phát triển bền vững, tiến tới các chuẩn mực ESG ở mức cao cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
“Trong thời đại mà việc đứng yên đồng nghĩa với việc bị tụt lại phía sau, thách thức hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối mặt không chỉ là đổi mới mà còn phải đổi mới một cách bền vững và hiệu quả. Chiến lược đổi mới kinh doanh là một yếu tố cốt lõi cho sự thành công lâu dài của bất kỳ doanh nghiệp nào”, ông Lê Trọng Minh cho biết.
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), đưa ra một số ví dụ về thành quả ĐMST của các tên tuổi trên thế giới. Điển hình như Samsung Electronics. Lãnh đạo tập đoàn này luôn có cam kết đặc biệt cao trong đầu tư cho R&D (chiếm gần10% doanh số mỗi năm), ưu tiên nỗ lực ĐMST từ “bắt kịp nhanh” sang “đột phá đi đầu” trong các công nghệ mới (IoT, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân, máy móc thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh-5G). Coi trọng năng lực hoạch định chiến lược, tổ chức thực thi… Đặc biệt chú trọng khâu thiết kế sản phẩm, tận dụng chất xám quốc tế…
Hay như Công ty Sữa Yili (Trung Quốc), luôn đầu tư mạnh mẽ vào R&D để đi đầu trong chất lượng, giá trị bổ dưỡng, và độ an toàn của sản phẩm. Chú trọng hội nhập toàn cầu, tạo cộng hưởng giữa sức mạnh trên thị trường nội địa và sự hiện diện toàn cầu; Tận dụng chất xám quốc tế, với 15 trung tâm R&D toàn cầu. Đáng chú ý, công ty này có phát kiến tách và tinh chế lactoferrin từ sữa (năm 2023) hiệu quả, đảm bảo giữ lại được các hoạt tính sinh học quan trọng của protein này, tạo các SP có giá trị bổ dưỡng cao cho trẻ em và người già. Công ty cũng đi đầu trong nắm bắt công nghệ số (nhà máy thông minh: IoT, AI) để đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Các xu hướng lớn của xã hội, tiến bộ công nghệ đột phá và cạnh tranh giữa các đối thủ truyền thống và những đối thủ mới ngày càng quyết liệt, đồng thời cũng chứa đựng tiềm năng lớn nhất cho tăng trưởng và chuyển đổi. Doanh nghiệp nào có thể chứng minh họ mang đến những giá trị mới, cách tân và khác biệt cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng thì sẽ nắm bắt được tiềm năng đó và có sự chuẩn bị cho chính mình trước thành công trong giai đoạn tiếp theo của thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Khương, để làm được những điều trên, bên cạnh nỗ lực đầu tư kiên trì của doanh nghiệp, nhà nước cũng cần thực thi một số vấn đề thiết chế và chính sách nhằm thúc đẩy ĐMST. Theo đó, cần tăng nhận thức về ĐMST, với các báo cáo khảo sát hàng năm về mức độ ĐMST ở doanh nghiệp trong từng ngành kinh tế, công nghiệp; hội thảo; đào tạo; giải thưởng…; Tăng lợi ích thu được và giảm thiểu rủi ro trong ĐMST…