1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Hải Phòng, Quảng Ninh đón vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Hải Phòng, Quảng Ninh đón vốn ngoại vào lĩnh vực công nghệ cao

Hải Phòng, Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Đạt về số lượng, thay đổi về chất lượng

Nhiều năm gần đây, TP. Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đó, Hải Phòng tập trung mời gọi các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho Thành phố theo 3 trụ cột công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá, Hải Phòng đã thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đạt về số lượng, liên tục đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, top đầu cả nước, mà chất lượng đã dịch chuyển, tập trung nhiều hơn vào nhóm ngành chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

“Thành công đó có thể tựu trung lại ở một số đặc điểm chính, đó là Hải Phòng có một định hướng rất quan trọng, tầm nhìn chiến lược, có Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện đầy đủ các định hướng đã đề ra”, ông Tùng khẳng định.

Hải Phòng ngày càng tạo lập được môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (Par Index), hay các chỉ số về dịch vụ công cũng luôn nằm trong top 5 cả nước. Hải Phòng ngày càng có sự dịch chuyển rất quan trọng, duy trì được vị trí trong tạo lập môi trường cạnh tranh so với các địa phương trong khu vực.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài của Hải Phòng đạt 647 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế hết tháng 5/2024, Hải Phòng thu hút 556 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư ước đạt 26,726 tỷ USD, tiếp tục giữ vững top dẫn đầu toàn quốc.

Đặc biệt, với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động sàng lọc để lựa chọn các dự án và nhà đầu tư chất lượng cao, Hải Phòng đã được nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone lựa chọn là điểm đến. Các “ông lớn” này tiếp tục “lôi kéo” các dự án vệ tinh trong chuỗi cung ứng đến “làm tổ” tại Hải Phòng, hình thành các cụm liên kết ngành quy mô.

Theo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Thành phố, gồm sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; dịch vụ cảng biển và logistics; thương mại.

Đặt niềm tin vào chế biến, chế tạo

Quảng Ninh đang đặt niềm tin lớn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – một trong những trụ cột dẫn dắt mới trong tăng trưởng kinh tế của địa phương. Các dự án đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Quảng Ninh, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Các dự án điển hình như Dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam, tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà); Dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai Amata (thị xã Quảng Yên)… Đây đều là những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hết 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Quảng Ninh đạt 1.549 triệu USD, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024 (3 tỷ USD). Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khoảng 2 tỷ USD/năm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, giai đoạn 2026-2030 phấn đấu thu hút 3 tỷ USD/mỗi năm.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, định hướng của Quảng Ninh là thu hút đầu tư bền vững vào những ngành nghề mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng khác biệt và tạo giá trị gia tăng lớn, ưu tiên khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông minh, dịch vụ, dịch vụ tổng hợp hiện đại.

4 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud