Nghệ An được thực hiện đầu tư PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. |
Việc cho phép mở rộng lĩnh vực được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ góp phần giúp tỉnh Nghệ An khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Báo cáo trước khi đại biểu bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các đối tượng được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP, bổ sung việc xây dựng và ban hành các tiêu chí xác định rõ những đối tượng được áp dụng đầu tư PPP đối với những dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không thực hiện PPP đối với các di tích, di sản văn hóa. Có ý kiến đề nghị giao cho các địa phương đặc thù quyền chủ động, quyền xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sở hữu, doanh thu, lợi nhuận và quản lý đối với các dự án PPP. Ý kiến khác đề nghị quy định về quy mô, tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực này tương tự như cơ chế áp dụng đối với TP.HCM.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lựa chọn dự án PPP để thu hút đầu tư cần lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động lớn và lan tỏa. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình thể thao do Nhà nước quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuống cấp, trang thiết bị tập luyện cần được nâng cấp, sửa chữa; nhiều các di tích, di sản văn hóa cần được tu bổ, tôn tạo còn nhiều song nguồn lực tại địa phương còn hạn chế. Việc cho phép mở rộng lĩnh vực được thực hiện theo phương thức PPP sẽ góp phần giúp tỉnh Nghệ An khai thác tốt nguồn lực xã hội hóa để cùng chung tay góp sức với Nhà nước sớm tăng cường hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Việc này cũng tận dụng được kinh nghiệm, cách thức, phương pháp quản trị tiên tiến, hiện đại từ khu vực tư nhân. Mặt khác, đa số các dự án sửa chữa cải tạo, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao đều có quy mô tổng mức đầu tư nhỏ. Để bảo đảm linh hoạt và hỗ trợ những dự án mang tính cấp thiết và có quy mô thấp hơn trong lĩnh vực này thì việc giao Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An là phù hợp với đặc thù, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An, ông Mạnh nói.
Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn; các dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An, theo quy định tại Nghị quyết.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết không chỉ cho phép tỉnh Nghệ An thí điểm thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng – chuyển giao (BT) tương tự Nghị quyết 98/2023/QH15 của TP.HCM, mà còn cho phép thanh toán cho Hợp đồng BT từ nguồn kinh phí thu được từ đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất bên cạnh tiền từ ngân sách địa phương.
Cụ thể, tỉnh Nghệ An được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.