1. Home
  2. Công nghệ
  3. Nóng rẫy cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Nóng rẫy cuộc đua giành thị phần gọi xe công nghệ

Chỉ sau hơn 1 năm, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng phủ khắp Việt Nam.

Tân binh xe điện đuổi sát gót

Xanh SM (thuộc GSM) là tân binh ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM hồi tháng 4/2023. Chỉ sau hơn 1 năm, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng phủ khắp Việt Nam. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Vingroup, trong năm 2023, GSM thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 20.163 tỷ đồng.

Đến nay, Xanh SM đã có hơn 30.000 taxi điện, có mặt tại 45 tỉnh, thành phố, hợp tác với hơn 35 doanh nghiệp đối tác và thu hút hàng ngàn tài xế tham gia nền tảng Xanh SM Platform để cung cấp dịch vụ di chuyển xanh bằng xe điện tới hàng chục triệu khách hàng trên cả nước.  Xanh SM cũng khởi động thành công nền tảng GSM Platform, nhận được hơn 1.000 đăng ký từ đối tác tài xế độc lập.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc toàn cầu của GSM cho biết, sau 1 năm ra mắt thị trường, Xanh SM đã chiếm 20% thị phần gọi xe công nghệ, đứng thứ 2 tại Việt Nam, bình quân 1 tuần, Xanh SM khai trương tại 1 thành phố mới, mỗi ngày có thêm 200 thành viên gia nhập, mỗi giờ phục vụ được vài chục ngàn lượt khách.

Ngoài dịch vụ vận chuyển khách bằng taxi và xe máy điện ban đầu, hiện Xanh SM cung cấp thêm các dịch vụ cho thuê xe điện tự lái, có lái, mới nhất là ra mắt nền tảng Xanh SM Platform, cho phép chủ xe ô tô điện VinFast trên toàn quốc kết nối để cung cấp dịch vụ vận chuyển và chia sẻ doanh thu.

Sự phát triển thần tốc của Xanh SM có thể chưa dừng lại, khi “ông lớn” này sử dụng chiến lược đưa nền tảng kinh doanh chia sẻ Xanh SM Platform dành riêng cho ô tô điện VinFast. Đây có thể là bước ngoặt quan trọng, bởi với chính sách này, Xanh SM sẽ mở rộng lượng xe một cách nhanh chóng khi kết nối các chủ xe VinFast có nhu cầu cung cấp dịch vụ vận tải với khách hàng.

Theo GSM, nền tảng Xanh SM Platform chính là đòn bẩy mạnh mẽ, thúc đẩy theo cấp số nhân độ phủ hệ thống, đưa hệ sinh thái di chuyển thuần điện nhanh chóng lan tỏa toàn quốc, từ đó có thể chiếm lĩnh vị thế vững chắc trên thị trường. GSM cũng công bố mở rộng quy mô ra toàn cầu với 9 thị trường mục tiêu từ nay đến năm 2025. Đồng thời, chuẩn bị hợp nhất ứng dụng Xanh SM tại tất cả các thị trường vào một ứng dụng duy nhất áp dụng trên toàn thế giới.

Be tăng trưởng, Grab và Gojek suy yếu

Cùng với sự trỗi dậy của Xanh SM là Be. Ứng dụng đặt xe Be chính thức ra mắt thị trường ngày 13/12/2018 tại Hà Nội và TP.HCM. Be đảm bảo khoản vay 60 triệu USD từ Deutsche Bank vào năm 2022, với tùy chọn tăng tài chính lên đến 100 triệu USD. Tính đến tháng 12/2023, Be Group có mạng lưới 300.000 tài xế ô tô và xe máy trên nền tảng, phục vụ 9 triệu người dùng trên 40 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Tháng 3/2023, Be Group và GSM ký kết thỏa thuận hợp tác. Theo đó, Be Group sẽ nhận khoản đầu tư trực tiếp từ GSM để hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Cụ thể, Be Group và GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế của Be Group để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn. Không chỉ hỗ trợ lực lượng tài xế, Be Group cũng sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe với đối tác GSM. Theo đó, khách hàng gọi xe trên nền tảng của Be Group có thêm lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.

Tháng 1/2024, Be công bố nhận được hơn 739 tỷ đồng từ Công ty Chứng khoán VPBank, một đơn vị thuộc VPBank.

Khi thỏa thuận hoàn thành, Chứng khoán VPBank sẽ nắm giữ cổ phần thiểu số tại Be Holdings, công ty mẹ của Be Group.

Với việc “được bơm một núi tiền”, Be đã lên kế hoạch đạt được lợi nhuận với Ebitda dương (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) trong năm tài chính 2024.

Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lên 20 triệu người dùng tại Việt Nam và đạt mục tiêu doanh thu gộp hàng năm 200 triệu USD vào năm 2026.

Be đang áp dụng chiến lược mang tính địa phương. Theo đó, nhân sự chủ chốt của Be là người Việt, hoạt động mô hình có tính độc lập tự chủ cao nhất, nhằm đáp ứng đặc thù dải sản phẩm phức tạp và quy mô giao dịch rất lớn của nền tảng Be. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị lớn tại Việt Nam để tối ưu hóa hoạt động.

Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Be Group chia sẻ, một trong những định hướng chiến lược ưu tiên của Be Group là việc hợp tác và chia sẻ thế mạnh về nền tảng công nghệ, cũng như vận hành với các đối tác để mang lại những giá trị ưu việt cho khách hàng.

Trong khi đó, Grab và Gojek đang chứng kiến sự suy giảm về thị phần, người dùng và doanh thu. Trước đây, Grab tập trung vào việc thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ sử dụng thông qua các chiến dịch quảng cáo lớn. Giờ đây, công ty này chuyển hướng một phần chiến lược nhằm đạt lợi nhuận nhanh hơn. Theo đó, Grab Việt Nam đẩy mạnh chiến lược đưa ra các dịch vụ chất lượng cao, có giá tiết kiệm cho người dùng và tung ra các cải tiến giúp đối tác tài xế nâng cao hiệu quả hoạt động trên nền tảng. Grab cũng đẩy mạnh hợp tác với các công ty hàng đầu trong nhiều lĩnh vực để củng cố và mở rộng hệ sinh thái siêu ứng dụng tại Việt Nam.

“Đây là một phần trong chiến lược Affordability (giá hợp lý) được Grab áp dụng nhằm tiếp cận được nhiều người dùng hơn, trên quy mô lớn hơn”, ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam cho biết.

Còn Gojek, năm 2024 là năm thứ 6, doanh nghiệp này kinh doanh ở thị trường Việt Nam, nhưng vẫn chưa thể bật lên. Gojek đang đứng chót trong thống kê tỷ lệ thâm nhập thị trường với 20%. Đầu năm 2023, ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek ở Việt Nam đã từ chức. Còn vào năm 2024, thậm chí thị trường xuất hiện có tin đồn là Gojek và Grab sẽ sáp nhập với nhau, nhưng sau đó, công ty mẹ của Gojek là GoTo đã phủ nhận thông tin này.

4 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud