Lực đẩy từ loạt chính sách giúp thị trường Đà Nẵng tăng tốc bứt phá
Đóng vai trò là thành phố trực thuộc TW lớn thứ ba Việt Nam, Đà Nẵng sở hữu những lợi thế nổi bật để hình thành nên sự kết hợp “2 trong 1” độc đáo, hiếm có: vừa là thủ phủ nghỉ dưỡng cao cấp, vừa là đầu tàu kinh tế miền Trung.
Chính “bản sắc kép” này góp phần quyết định cho sự tăng trưởng bền vững, chất lượng cao nhưng vẫn gìn giữ được một nhịp đời “đáng sống”, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và nâng cao danh tiếng của Đà Nẵng như một điểm đến năng động trên phạm vi quốc tế.
Trong tầm nhìn đến năm 2030, thành phố cũng đánh dấu chiến lược tập trung vào phát triển bền vững, đặt mục tiêu trở thành trung tâm khu vực về đổi mới, công nghệ và các ngành công nghiệp có giá trị cao, đồng thời áp dụng các sáng kiến thành phố thông minh để nâng cao hiệu quả và khả năng phục hồi.
Lợi thế “bản sắc kép” – thủ phủ nghỉ dưỡng kiêm trung tâm kinh tế – khẳng định vị thế đặc biệt của Đà Nẵng. |
Xét riêng trên bình diện bất động sản, vị trí then chốt, môi trường trong lành, chất lượng sống cao, an ninh an toàn,… so với nhiều thành phố lớn khác tại Việt Nam cũng chính những yếu tố giúp Đà Nẵng luôn là thị trường tâm điểm. Dù trải qua nhiều biến động lớn, giới đầu tư vẫn kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của bất động sản Đà Nẵng, nhất là khi thành phố đang đứng trước những cải cách, thí điểm mang tính quyết định trong thời gian tới.
Xứng đáng có cơ chế đặc thù, lập khu thương mại tự do
Tại kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã thảo luận và thông qua “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”. Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm, đáng chú ý bao gồm: quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (1 chính sách); vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (5 chính sách)…
Nhiều chuyên gia khẳng định, nghị quyết sửa đổi được thông qua chắn chắn sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của thành phố nói chung, cũng như chu kỳ bứt tốc của thị trường bất động sản nói riêng.
Cơ chế đột phá mới sẽ càng giúp đô thị chứng tỏ được sức hút và nội lực mạnh mẽ của Đà Nẵng |
Theo nhận định của ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Đà Nẵng là một trong những thành phố cảng có vị trí chiến lược với lợi thế về du lịch, giao thông và kinh tế biển, do đó xứng đáng được ưu ái nhiều cơ chế đặc thù để phát triển vượt lên so với các địa phương khác.
Còn TS. Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bản thân Đà Nẵng đã là một thị trường chất lượng với những giá trị đã từng được khẳng định, thì những cơ chế đột phá mới sẽ càng giúp đô thị chứng tỏ được sức hút và nội lực mạnh mẽ. Việc giao cho Đà Nẵng một cơ chế đặc thù sẽ giúp địa phương chủ động hơn trong việc thu hút đầu tư, nhất là những hợp tác mang tầm quốc gia.
Hiện tại, nhiều đơn vị chủ đầu tư cũng thừa nhận đây là thời điểm tốt nhất cho nhà đầu tư khi muốn tham gia vào thị trường Đà Nẵng. Bởi thành phố đã dần quay trở lại đà phát triển sau thời gian dài bị ảnh hưởng do tình hình khó khăn chung, cũng như bổ sung nhiều loại hình sản phẩm bảo chứng bởi thương hiệu quốc tế chất lượng, trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo.
Đại diện chủ đầu tư Công ty Bất động sản Bản Việt (VCRE) cho hay, khi cơ chế đặc thù được thông qua, động lực phát triển mới cho Đà Nẵng thậm chí lớn hơn cả trước đây, bởi nhiều đô thị biển trên thế giới đã chứng tỏ vị thế và tầm quan trọng của mình trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và trở thành biểu tượng của quốc gia. Hợp tác giữa Nobu Hospitality và VCRE cho khu căn hộ hàng hiệu đầu tiên tại Đông Nam Á cũng được xem là một trong những “trái ngọt” của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong việc tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp của hai quốc gia, theo thông tin từ Nhà Trắng.