Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng cháy chữa cháy
Đang đầu tư xây dựng hơn 670 trụ nước và 31 hố thu nước chữa cháy
Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 594 vụ cháy làm 20 người chết, 9 người bị thương, ước tính thiệt hại 5,1 tỷ đồng, trong đó, có 4 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm 2023 số vụ cháy tăng hơn 76%; tăng 15 người chết. Số vụ cháy nhà, công trình, cơ sở chiếm gần 75% tổng số vụ cháy.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị giao ban quý II/2024 của Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã chiều 28/6. |
Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm trên 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác.
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội có tổng số 579 xã, phường, thị trấn với 412 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn TP là: 137.228 cơ sở.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy cứu nạn, cứu hộ trực tiếp triển khai chữa cháy 289 vụ chiếm trên 48% tổng số vụ cháy. Hơn 51% số vụ cháy còn lại do lực lượng tại chỗ dập tắt.
Đối với công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, lực lượng cảnh sát PCCC đã duy trì nghiêm túc, quân số, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót và có biện pháp khắc phục.
Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, cứu nạn cứu hộ đảm bảo thông suốt 24h/24h, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định. Công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, qua đó góp phần giải quyết nhanh, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức chữa cháy các vụ cháy trên địa bàn TP.
Mạng lưới về nguồn nước đã được Công an TP. Hà Nội định vị trên bản đồ Google Map giúp chỉ dẫn các đơn vị khai thác hiệu quả khi tổ chức chữa cháy.
Về nguồn nước, Hà Nội hiện có 5.100 trụ nước trên toàn TP; 722 trụ nước chữa cháy của các khu đô thị, khu công nghiệp, 16 bể nước chữa cháy, 18 hố thu nước chữa cháy, 42 bến lấy nước chữa cháy; 4.384 bể nước của các cơ sở có khối tích trên 10 m3 và 4.476 nguồn nước tự nhiên (ao, hồ, sông…).
Qua điều tra, khảo sát, TP còn thiếu 10.167 trụ nước chữa cháy, 1.673 bể nước chữa cháy, 848 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy.
Để khắc phục tình trạng này, hiện UBND TP. Hà Nội đang triển khai đầu tư trên 670 trụ nước chữa cháy và 31 hố thu nước chữa cháy trên địa bàn 7 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), thời gian thực hiện đến năm 2025.
Cùng với đó, trên địa bàn TP đã xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về PCCC&CNCH phát động các phong trào mở lối thoát nạn thứ 2. Đã thành lập trên 8.500 tổ liên gia an toàn PCCC… Xây dựng trên 23.600 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu trên 50 m.
Qua rà soát, toàn TP còn gần 3.000 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Hầu hết các cơ sở đã cam kết lộ trình thời hạn khắc phục.
Đến nay, toàn TP đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%, xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ban cán sự Đảng TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các Chủ cơ sở, hộ gia đình, người dân thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC như: Tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở; trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC; giảm mật độ người thường xuyên làm việc, giảm khối lượng chất dễ cháy trong cơ sở, hộ gia đình…
Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ năng và chủ động phương án chữa cháy, thoát nạn để đảm bảo hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra; triển khai, hướng dẫn tới 100% các hộ gia đình xây dựng và tổ chức thực tập PACC tại từng hộ gia đình theo phương châm “Nơi nào có dân, nơi đó phải có phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ”.
Tại Hội nghị giao ban quý II/2024 của Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP. Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã chiều 28/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã có 14 cuộc họp về nội dung liên quan đến công tác PCCC, cho thấy đây là nội dung hết sức thực tiễn, cấp thiết.
Dù nhiều cố gắng, tuy nhiên, công tác này còn nhiều khó khăn, nhiều cơ sở vi phạm không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, do sai phạm về trật tự xây dựng, trật tự đô thị ngay từ giai đoạn ban đầu, nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để, nghiêm minh; dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản; đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý về xây dựng và trật tự xây dựng, có nhiều thời điểm còn “buông lỏng quản lý”, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài và không được triệt để trong xử lý;
“Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC theo thẩm quyền, còn có tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH”, bà Nguyễn Thị Tuyến nêu thực trạng.
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”.
UBND TP. Hà Nội, Thủ trưởng các đơn vị, sở, ngành, cấp ủy UBND quận, huyện, thị xã quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, trong đó, tập trung tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, TP về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô; trọng tâm là Chỉ thị 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC&CNCH trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới và Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND TP. Hà Nội về các biện pháp tăng cường công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phải thực sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác PCCC&CNCH theo thẩm quyền; tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về PCCC theo địa bàn, lĩnh vực quản lý; phải xác định rõ công tác PCCC&CNCH là của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an; chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” công tác PCCC cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; gắn việc triển khai công tác PCCC&CNCH với Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, đưa các khái niệm đơn giản nhất đến người dân; chủ động hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC tình nguyện…; tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Khẩn trương, quyết liệt trong việc kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, đặc biệt là sau công tơ; Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn Thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy, đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng, các cấp chính quyền giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, cầu dẫn, dựng barie, hàng rào, treo bảng, biển… gây cản trở hoạt động chữa cháy và CNCH;
Khẩn trương nghiên cứu triển khai đầu tư, xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy trong các khu dân cư, các ngõ nhỏ xe chữa cháy không tiếp cận. Thường xuyên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy có sự phối hợp với nhiều lực lượng tại các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao…
“Để nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác PCCC, tôi đề nghị cần xem xét và gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, Thủ trưởng các đơn vị các sở, ngành trong công tác này. Lĩnh vực nào, ngành nào, địa phương nào để tồn tại nhiều công trình vi phạm về PCCC, để xảy ra các vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng phải xem xét, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.