Hà Nội thông qua mức chi với cảnh sát khu vực, lực lượng an ninh cơ sở
Theo đó, HĐND TP. Hà Nội quyết nghị quy định nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng công an xã trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát khu vực, cán bộ chiến sĩ lực lượng công an xã thuộc Công an TP. Hà Nội được giao trong chỉ tiêu biên chế.
HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc quy định nội dung, mức chi hỗ trợ lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng công an xã trên địa bàn TP. |
Về chính sách hỗ trợ: hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ chiến sĩ lực lượng cảnh sát khu vực, cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an xã thuộc Công an TP. Hà Nội là 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Về nguyên tắc thực hiện, trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng áp dụng quy định tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng 1 mức hỗ trợ.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP. Hà Nội thì chỉ được hưởng 1 mức hỗ trợ.
Chiều cùng ngày, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn TP.
Theo đó, tiêu chí thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như sau: tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm từ 3 đến 5 thành viên, bao gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và từ 1 đến 3 tổ viên.
Cụ thể, đối với thôn, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên: thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 5 thành viên gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và 3 tổ viên.
Đối với thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình đến dưới 500 hộ gia đình: thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 4 thành viên gồm: 1 Tổ trưởng; 1 Tổ phó; 2 tổ viên.
Đối với thôn, tổ dân phố có dưới 350 hộ gia đình: thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 3 thành viên gồm: 1 Tổ trưởng; 1 Tổ phó; 1 tổ viên.
Các đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và quyết định số lượng thành viên phù hợp nhưng không vượt quá số thành viên tối đa theo quy định. Trường hợp cần tăng thêm số lượng thành viên giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự, điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số của địa phương.
Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng như sau: hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mức 2.520.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hằng tháng cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gồm: hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội, mức 234.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế, mức 54.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người/tháng; đối với Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ với thời gian làm việc từ 4 giờ trở lên, mức 100.000 đồng/người/ngày, gồm: khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động.
Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng.
Trường hợp 1 người cùng đồng thời tham gia ở nhiều vị trí, nhiệm vụ thì chỉ được hưởng 1 mức hỗ trợ cao nhất.
Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán ngân sách UBND cấp huyện và cấp xã hàng năm theo phân cấp ngân sách. Riêng trong giai đoạn ổn định ngân sách năm 2024 – 2025, ngân sách TP bổ sung có mục tiêu đối với kinh phí phát sinh tăng thêm so với kinh phí đã được bố trí trong cân đối ngân sách quận, huyện, thị xã.