Bữa tiệc đa sắc từ Bắc tới Nam
Từ cuối tháng 5 đến nay, các sân khấu, nhà hát cả nước vẫn tất bật sáng đèn, tăng suất diễn phục vụ khán giả. Cả nước có đến hơn 10 vở cùng ra mắt. Trong đó, các vở diễn phục vụ khán giả nhí tập trung nhiều ở các sân khấu TP.HCM.
Cảnh trong vở “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad – Huyền thoại mắt thần”.
Năm nay, Nhà hát kịch Idecaf tiếp tục duy trì thương hiệu “Ngày xửa ngày xưa 35” với vở “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần”.
Khi xem đoạn cuối vở diễn “Colora – Xứ sở rực rỡ” có cảnh chim đại bàng cha bay đi, không bao giờ trở về nữa, một em bé òa khóc nức nở vì xúc động. Mọi người dỗ hoài nhưng bé vẫn không nín. Với chúng tôi, niềm hạnh phúc khi nhận được sự đồng cảm của khán giả còn gấp nhiều lần niềm vui cháy vé.
Đạo diễn Bảo Chu
Sân khấu Trương Hùng Minh tung phần tiếp theo của series “Truyện thần tiên 2” có tên gọi “Mễ Cốc phiêu lưu ký”. Nhà hát kịch 5B nỗ lực xây dựng điểm diễn quen thuộc cho khán giả nhí với tiếp vở “Trạm cứu hộ động vật”.
Sân khấu kịch thiếu nhi Ban Mai ra mắt vở “Colora – Xứ sở rực rỡ”. Sân khấu Quốc Thảo có vở “Đảo muôn màu và cuộc thử thách sinh tồn”.
Đặc biệt, Sân khấu Sen Việt cũng lần đầu gia nhập cuộc chơi với vở nhạc kịch dân ca Nam Bộ “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”. Điều độc đáo của vở diễn là ca từ đều lấy từ các bài ca dao, dân ca, hò, vè, lý… giúp các em thiếu nhi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống dân gian.
Với khán giả nhí Thủ đô, Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành điểm đến lý tưởng mỗi mùa hè đến. Năm nay, nhà hát sáng đèn xuyên hè với các vở “Bữa tiệc của Elsa”, “Vị vua không ngai”, cùng hai vở hợp tác với nhà hát quốc tế là “Giải cứu bà nội” – hợp tác cùng Nhà hát Bốn bàn tay (Bỉ) và “Zorba – chú mèo thám tử” – hợp tác cùng Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc).
Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi với chủ đề “Hành trình kỳ diệu” gồm 3 vở diễn: “Bộ quần áo mới của hoàng đế”, “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng”.
Dàn dựng công phu
Các đơn vị nghệ thuật cũng tung ra những tác phẩm sân khấu hấp dẫn với nhiều hình thức, đa dạng trải nghiệm dành cho các em nhỏ như: “Lời bà kể” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Màu của ước mơ” (Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội), “Cây tre trăm đốt” và “Nắm xôi kỳ diệu” (Nhà hát Chèo Hà Nội)…
Vở “Vị vua không ngai” truyền cảm hứng cho các em nhỏ qua những bài học về tình đoàn kết, ý thức rèn luyện bản thân để vượt qua thử thách.
Theo ghi nhận, dù số lượng các vở diễn tăng đột biến nhưng đều được dàn dựng chỉn chu. Hầu hết các chương trình được đầu tư bằng những thủ pháp dàn dựng mới lạ từ âm nhạc, cảnh trí, trang phục, đạo cụ, xử lý không gian bằng những kỹ xảo của công nghệ hiện đại, hoặc kết hợp với các đơn vị nước ngoài.
Đơn cử, Nhà hát Kịch Việt Nam mời đạo diễn người Nhật Bản Hiroyuki Muneshighe dàn dựng vở “Bộ quần áo mới của hoàng đế” với hy vọng mang đến cho các em thiếu nhi một mùa sân khấu hè sôi động, hấp dẫn. Nhà hát Tuổi trẻ dành cả một năm nghiên cứu, mạnh tay đầu tư sử dụng công nghệ kỹ xảo 3D để tăng trải nghiệm cho khán giả nhí.
Trong khi đó, vở “Mễ Cốc phiêu lưu ký” được Việt Hương đầu tư tới hơn 1 tỷ đồng. Điểm nhấn của vở diễn là có hơn 100 bộ phục trang được may mới – nhiều nhất so với tất cả những vở kịch của Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh.
Vẫn lo bài toán kinh tế
Theo dõi lịch diễn của các nhà hát, sân khấu từ Bắc vào Nam, các đơn vị đều kín lịch diễn xuyên suốt từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ hồ hởi cho biết: “Trong tháng 6, nhà hát phải tăng khoảng 30 suất diễn vào các Chủ nhật. Đa số các suất diễn đều cháy vé”.
Cảnh trong vở “Colora – Xứ sở rực rỡ” của sân khấu kịch thiếu nhi Ban Mai.
Tương tự, trong tháng 6, Nhà hát kịch Idecaf cũng duy trì đến 34 suất diễn của “Ngày xửa ngày xưa 35”. Trước đó, trong tháng 5, 10.000 vé xem vở diễn này đã được bán hết chỉ sau 15 phút trên hệ thống Ticketbox.
Tuy nhiên, bước sang cuối tháng 6, đầu tháng 7, cục diện đã thay đổi sau khi các đơn vị ồ ạt tung suất diễn. Tình trạng tiêu thụ vé bắt đầu chững lại, thậm chí sụt giảm.
Đơn cử, suất chiếu ngày 6/7 của vở “Đảo muôn màu và cuộc thử thách sinh tồn” chỉ bán được 32/364 vé. Tương tự, vở “Colora – Xứ sở rực rỡ” mới chỉ bán được hơn 50% số vé tung ra cho suất chiếu ngày 29/6.
Lường trước được viễn cảnh này, những người làm trong ngành dường như đã chuẩn bị phương án thích ứng phù hợp. “Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Huyền thoại mắt thần” sẽ có 8 suất diễn trong tháng 7.
Phía Nhà hát kịch Idecaf cho biết, sẽ phải xem tình hình mới quyết định suất diễn cho tháng 8. Với tình hình hiện tại, vở diễn có thể khép lại vào tháng 8 chứ không kéo dài qua tháng 9. Vở “Mễ Cốc phiêu lưu ký” có hàng chục suất diễn trong tháng 6, nhưng hiện Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh vẫn chưa tung lịch diễn của tháng 7.
Đạo diễn Bảo Chu cho rằng, số lượng khán giả kịch chỉ có chừng đó, khi vở thiếu nhi ra nhiều thì khán giả phân tán là điều tất yếu. “Ngoài vấn đề kinh tế, thói quen cho con trẻ đi xem kịch vẫn chưa thực sự được ưu tiên”, đạo diễn Bảo Chu bày tỏ.