“Điểm tựa” để cán bộ, đảng viên giữ gìn chuẩn mực đạo đức
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW, Chỉ thị số 35- CT/TW tại phòng họp Diên Hồng |
Trung ương đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức
Sáng qua (9/7), tại phòng họp Diên hồng (Nhà Quốc hội), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35- CT/TW về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Quy định số 144-QĐ/TW khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, để Đảng ta “là đạo đức, văn minh”. Quy định 144-QĐ/TW nêu rõ, cụ thể các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên cần thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Điều quan trọng, cốt lõi trong việc triển khai Quy định 144-QĐ/TW là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần sâu sắc Quy định, làm cho đạo đức cách mạng trở thành nét đặc trưng, nổi bật ở người cán bộ, đảng viên; trở thành vũ khí sắc bén, vượt qua mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quy định này thúc đẩy xây dựng, củng cố nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, làm cho văn hóa, con người Việt Nam thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển và bảo vệ đất nước.
Quán triệt nội dung Quy định số 144-QĐ/TW, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, nhiều chỉ thị, nghị quyết xây dựng Đảng về đạo đức đã được ban hành, thể hiện tư duy mới. Đại hội XII lần đầu tiên đã đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đến Đại hội XIII một lần nữa nhấn mạnh, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. “Đây là tư duy rất mới”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, những hành động cụ thể, với phương châm “trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau”, học tập đi đôi với làm theo. “Nhiều cán bộ, đảng viên là tấm gương đạo đức mẫu mực trong học tập, công tác, lao động, sản xuất và chiến đấu”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, công tác giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự mẫu mực. Cá biệt có một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thậm chí, cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý.
“Nguyên nhân căn bản là do sự thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên. Từ đó, đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực”, ông Nghĩa nêu rõ.
Ông Nghĩa thông tin thêm, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ khóa XI đến khóa XIII, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách quyết liệt thể hiện tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan hành vi sai trái diễn ra từ những năm trước và cả sai phạm mới phát sinh.
Đặc biệt, ông Nghĩa nhấn mạnh, có nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương đã bị khởi tố. Điểm mới là từ khởi tố ban đầu về hành vi phạm tội kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu, làm rõ bản chất vụ án, khởi tố hành vi vi phạm về tham nhũng. Việc này đã tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Vẫn theo ông Nghĩa, qua điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có trên 83% cán bộ, đảng viên, nhân dân khi được hỏi đều đồng tình phải kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa bàn phân công, phụ trách.
Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh tinh thần phải kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ. Việc này vừa thể hiện sự nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn.
Quy định bất cập cần được sửa ngay
Cũng tại phòng họp Diên Hồng, trong các kỳ họp gần đây của Quốc hội, nhiều khía cạnh về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được đề cập, tranh luận nhiều chiều. Khá nhiều ý kiến của các vị biểu đang đương chức sốt ruột với tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ và cho rằng, có nguyên nhân từ việc cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm.
Nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, nếu khi thực thi chức trách mà có hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp, thì chắc chắn phần đông cán bộ, công chức, viên chức chỉ có nỗ lực làm tốt hơn, chẳng có gì phải sợ.
Thế nhưng, thực tế hiện nay, trong không ít việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ, công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, để đem đến hiệu quả cho dân, cho nước, sẽ vi phạm không nhiều thì ít các quy định hiện hành của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vì vậy, để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, trong nhiều trường hợp lại cần có sự bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Và, cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội, vì những vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.
Vẫn tiếp tục chủ đề này, ở Kỳ họp thứ bảy của Quốc hội bế mạc cuối tháng 6 vừa qua, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp nói, hiện có nhiều quy định khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, “nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai thì bị xử lý. Cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận, ý kiến của đại biểu Hòa cũng có cơ sở. Vì cán bộ công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép, “vận dụng pháp luật” là rất rủi ro.
Nhưng, ông Cường cho rằng, không hẳn cứ “có làm thì có sai”, thực tế có nhiều người vẫn làm và không sai. Tuy nhiên, để mọi cán bộ, công chức có điểm tựa vững vàng thực thi nhiệm vụ của mình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần linh hoạt hơn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Theo ông Cường, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của xây dựng pháp luật là phải rõ ràng, minh bạch, thông thoáng, nhưng cũng phải đảm bảo sự chặt chẽ để không thể lợi dụng dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Kết hợp hai yêu cầu này là rất khó, vì thế, hệ thống pháp luật luôn luôn được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Điều quan trọng, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, là phát hiện ra bất cập, vướng mắc, cho dù chỉ ở một điều khoản thôi, thì cũng cần phải sửa đổi ngay, chứ không chờ sửa toàn diện, tổng thể cả đạo luật.
“Không nên quan niệm sửa đổi một vài điều khoản là lắt nhắt, mà nên quan tâm đến hiệu quả thực tế của việc sửa đổi đó, vì sửa tổng thể một đạo luật rất mất thời gian. Nếu cả một đạo luật mà chỉ có 1-2 điều khoản là điểm nghẽn thực sự thì cần phải sửa ngay, chứ không cần đợi cho đến khi tổng kết việc thực thi luật, mọi thứ chín muồi mới sửa thì chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”, đại biểu Cường trao đổi.
Tại Chỉ thị số 35-CT/TW, Bộ Chính trị đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030. Trong đó, công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp ủy các cấp và đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu theo quy định, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao, thận trọng từng bước, “làm đến đâu chắc đến đó”. Bộ Chính trị cũng yêu cầu cần có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài.