Bạc Liêu vươn lên làm giàu từ kinh tế biển
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (đứng thứ tư từ trái qua) trao bằng khen cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiêu biểu của tỉnh |
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Vượt qua khó khăn của nền kinh tế và bất lợi về thời tiết, những tháng đầu năm, kinh tế Bạc Liêu tiếp tục tăng trưởng ổn định và tận dụng hiệu quả tiềm năng, vị thế để vươn lên làm giàu từ kinh tế biển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,15%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 3,95% và khu vực dịch vụ tăng 6,11% so với cùng kỳ.
Các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng lịch thời vụ, chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là ứng phó với hạn mặn, cháy rừng trong mùa khô 2024; thực hiện tốt công tác điều tiết nước đảm bảo cung cấp kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 6 tháng ước đạt 206.398 tấn, đạt 37,29% kế hoạch, tăng 6,52% so cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng so với cùng kỳ, nhất là thủy sản. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xuất khẩu ước 43.451,27 tấn thủy sản, đạt 38,55% kế hoạch, tăng 6,85% so cùng kỳ; 430,5 tấn muối, đạt 26,74% kế hoạch, tăng 72,4% so cùng kỳ; 4,53 triệu sản phẩm may mặc…, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 463,91 triệu USD, đạt 40,05% so với kế hoạch, tăng 9,55% so với cùng kỳ.
Công tác xây dựng cơ bản luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh đã giao và thông báo vốn đến các chủ đầu tư ngay từ đầu năm, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác gồm lãnh đạo Tỉnh ủy cùng với Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp đi cơ sở, khảo sát, kiểm tra thực địa và nghe các chủ đầu tư, đơn vị thi công báo cáo hình triển khai các công trình trọng điểm. Tỉnh cũng thành lập nhiều tổ công tác để nắm bắt, kịp thời xử ký, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án: Tuyến đê biển; Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5; Di tích lịch sử – văn hóa Đồng hồ Thái Dương…
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Công tác phát triển doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu quan tâm. Các chính sách về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã được triển khai thực hiện kịp thời. Mô hình gặp gỡ, cà phê và điểm tâm sáng giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các doanh nghiệp được tổ chức định kỳ hàng tháng bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiều khó khăn của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh nắm bắt và chỉ đạo giải quyết, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi.
Ước 6 tháng đầu năm, tại Bạc Liêu, có 170 doanh nghiệp đăng ký mới, đạt 38,12% kế hoạch, tăng 3% so cùng kỳ, vốn đăng ký là 1.590 tỷ đồng tăng gần 2 lần so cùng kỳ. Ước tính đến cuối tháng 6/2024, có 2.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, vốn đăng ký là 40.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tổ chức họp mặt các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để thông tin về tình hình kinh tế – xã hội và những định hướng, mục tiêu phát triển của tỉnh; giải đáp các kiến nghị, tìm hướng giải quyết phù hợp, đúng pháp luật, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển. Tỉnh cũng ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024 để kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn trên địa bàn.
Kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023, Bạc Liêu vươn lên đứng đầu cả nước về chỉ số thủ tục hành chính công, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân, đứng thứ hai cả nước về chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bạc Liêu năm 2023 đạt 63,03 điểm, tăng 2,67 điểm so với năm 2022. Tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá Chỉ số PCI năm 2023 để xây dựng định hướng, giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số này trong năm 2024 và thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm, có 13 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Bạc Liêu. Đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư được 199 dự án (gồm 182 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 65.065 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,7 tỷ USD).
Công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông luôn được chú trọng, đẩy mạnh thực hiện. Đề xuất Dự án Đường ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và đoạn nhánh kết nối đường Nam Sông Hậu vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được hoàn thiện, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét. Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Hậu Giang – Cà Mau đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao chủ đầu tư triển khai thi công…
Bạc Liêu cũng tập trung hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực như: Dự án điện LNG Bạc Liêu 3.200 MW; Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (141 MW), Dự án Nhà máy điện gió Nhật Bản – Bạc Liêu (50 MW) và các dự án nguồn điện và lưới điện khác đã dược phê duyệt để phát triển Bạc Liêu thành trung tâm năng lượng của vùng và cả nước.
Cơ hội vươn lên làm giàu từ kinh tế biển
So với các địa phương khác, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển. Ngoài việc tiếp giáp các tỉnh có biển như Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và biển Đông, Bạc Liêu còn có bờ biển dài 56 km, cùng với 4 cửa biển lớn: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20.742 km2 và ngư trường rộng trên 40.000 km2.
Bạc Liêu cũng nằm trên trục các đô thị biển Đông, biển Tây và trục Hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), kết nối đường biển vùng Nam bộ và vịnh Thái Lan. Ven biển của tỉnh có tiềm năng về gió với lượng gió lớn và ổn định, có thể khai thác và phát triển điện gió. Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển du lịch biển như: Khu du lịch biển nhân tạo, Khu du lịch tâm linh Quán Âm Phật Đài đã và đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án khác để thu hút du khách.
Phát huy tiềm năng, vị thế của mình, những năm qua, Bạc Liêu đã tổ chức phát triển các ngành kinh tế biển, quan tâm xây dựng các công trình hạ tầng nhằm tạo bước đệm cho việc thu hút đầu tư phát triển khu vực ven biển. Đồng thời, phát triển kinh tế biển trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, giảm tối đa thiệt hại trong điều kiện biến đổi khí hậu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Nguồn vốn cho các dự án được bố trí, nhiều công trình dự án thích ứng với biến đổi khí hậu được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Việc thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, đóng mới, nâng cấp tàu cá, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai một cách đồng bộ kết hợp các cụm, khu kinh tế và du lịch sinh thái biển.
Công tác thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối…) được quan tâm một cách mạnh mẽ, đã từng bước góp phần phát triển kinh tế biển và cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng biển. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để mời gọi và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển; phát triển khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện mặt trời, điện khí và là trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước theo định hướng của Chính phủ và tỉnh Bạc Liêu.