Bến Tre tăng thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp
Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên điều hành các buổi làm việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp. |
Các khu công nghiệp và Cụm công nghiệp Long Phước tại tỉnh Bến Tre hiện có 58 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực, trong đó 46 dự án đã đi vào hoạt động. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu cụm, công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 11.504 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 46,02% kế hoạch năm 2024; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,94 triệu USD, tăng 12,75% so với cùng kỳ và đạt 48,59% kế hoạch năm 2024; tổng kim ngạch nhập khẩu là 199,73 triệu USD, giảm 12,09% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 33,29% kế hoạch năm 2024…
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 7 khu công nghiệp (Giao Long, An Hiệp, Phú Thuận, Giao Hòa, Phước Long, An Nhơn, Bảo Thạnh) với tổng diện tích 1.372 ha.
Bến Tre đã đề xuất hình thành khu kinh tế ven biển tại huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú để khai thác tiềm năng ven biển. Khu kinh tế ven biển bao gồm phần phía Đông của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú có diện tích khoảng 52.030 ha. Ranh giới là tuyến đường ven biển quốc gia. Đây là khu vực thực hiện chủ trương phát triển Bến Tre về hướng Đông của tỉnh, nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và cả khu vực, thúc đẩy liên kết toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nhằm tạo hành lang pháp lý, tiếp tục thu hút mạnh đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, ngày 13/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Trần Ngọc Tam đã ký Quyết định số 17/2024/QĐ-UBND quy định tiêu chí ưu tiên thu hút dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre bao gồm: dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dự án thuộc ngành điện tử, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Ngoài ra còn có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, ngành máy cơ khí nông nghiệp, chế tạo công cụ, máy móc, phụ tùng, thiết bị cho nhũng loại máy móc khác, công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo; dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ logistics; các dự án chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao từ nông – thủy sản theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; ưu tiên các dự án chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu; các dự án sản xuất, chế biến dược phẩm và vật tư y tế tiêu hao, thiết bị y tế…
Quyết định trên cũng quy định cụ thể các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và không thu hút đầu tư. Trong đó, các dự án hạn chế thu hút đầu tư như dự án sản xuất hóa chất; dự án sản xuất bao bì công nghiệp từ giấy vụn; dự án có công đoạn xi mạ; dự án sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (có phát sinh nước thải công nghiệp); dự án sản xuất phân bón (có phát sinh nước thải công nghiệp); dự án sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp; dự án giày dép, may mặc.
Các lĩnh vực không thu hút đầu tư gồm thuộc da, dệt, nhuộm; sản xuất xi măng, bột giấy; sản xuất, tái chế nhựa từ nguyên liệu rác thải nhựa; nhiệt điện từ nguyên liệu than đá hoặc nguồn gốc than đá chiếm tỷ lệ trên 50%; sản xuất thép (trừ dự án sản xuất thép chất lượng cao); các dự án có công nghệ lạc hậu.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo thứ tự ưu tiên gồm: sử dụng công nghệ, năng lực kinh nghiệm, chuyên môn cao, quy định về suất đầu tư, liên kết chuỗi giá trị, sử dụng lao động, phương án đầu tư xây dựng… Ưu tiên các dự án ít thâm dụng lao động; các dự án có liên kết, hợp tác với các đối tác ở địa phương để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động.
Ngoài ra, ưu tiên cho các dự án sử dụng ít đất và có phương án thiết kế xây dựng cao tầng theo chiều cao tối đa cho phép theo quy hoạch. Các dự án đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng được xem xét ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.