Cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng: Làm rõ 7 nội dung về khu thương mại tự do
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể 7 nội dung Khu thương mại tự do tại TP.Đà Nẵng.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, sáng 31/5 Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (Dự thảo).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 5 chính sách mới theo thực tế của thành phố có chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Dự thảo quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu và xác định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng – logistics; thương mại – dịch vụ. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo Dự thảo thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng tương tự như khu kinh tế.
Để đơn giản thủ tục hành chính, dự thảo Nghị quyết giao Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố trong ranh giới Khu thương mại tự do Đà Nẵng đảm bảo đồng bộ sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng. Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đồng thời quy định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai để đẩy nhanh việc thành lập mô hình Khu mới này.
Thẩm tra, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý. Đây là chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP. Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng và của cả Vùng.
Bên cạnh đó, việc thí điểm mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; đồng thời, có lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban thẩm tra tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra lưu ý, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.
Để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết về một số nội dung sau: (1) Khái niệm, mô hình tổ chức; (2) Chức năng, nhiệm vụ; (3) Chính sách phát triển và quản lý nhà nước; (4) Phương án phát triển khu thương mại tự do; (5) Nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng…; (6) Kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội; tác động đến phát triển doanh nghiệp và tính lan tỏa vùng miền…; (7) Trách nhiệm trong triển khai thực hiện của các cá nhân, tổ chức liên quan; bổ sung hệ thống giám sát định kỳ.
Một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, các chính sách cho khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, chưa cụ thể, chưa xác định lợi thế cạnh tranh, chưa đánh giá tác động về an ninh, quốc phòng và chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế. Vì vậy, đề nghị làm rõ khái niệm khu thương mại tự do, các điểm giống và khác so với khu kinh tế, khu phi thuế quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong hình thành và phát triển mô hình này để làm rõ căn cứ thuyết phục, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mô hình khi thực hiện.
Có ý kiến đề nghị, để bảo đảm xây dựng các chính sách về khu thương mại tự do, tạo sự bứt phá, vượt trội, đề nghị cần xây dựng một Đề án riêng về khu thương mại tự do trình Quốc hội xem xét, quyết định, báo cáo thẩm tra nêu.
Chiều nay (31/5) Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung trên.