Để hút mạnh đầu tư từ Hoa Kỳ
Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của nhà đầu tư Hoa Kỳ. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Ford Việt Nam (Hải Dương). Ảnh: Đức Thanh |
Đẩy mạnh cải cách
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) và quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ bước sang trang mới kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đến nay, các công ty thành viên của AmCham đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp. Doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chiếm một phần đáng kể trong doanh thu xuất khẩu và thuế của Việt Nam.
Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Bất chấp thách thức đáng kể từ những “cơn gió ngược” của nền kinh tế toàn cầu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, giúp thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng trên khắp đất nước.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội. |
Các nhà đầu tư chất lượng cao của Hoa Kỳ không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển hệ sinh thái của các doanh nghiệp và doanh nhân trong nước.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ mang những sản phẩm chất lượng cao cùng nhiều công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh hiện đại đến Việt Nam. Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm đến việc phát triển lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo việc làm có chất lượng và đầu tư vào việc phát triển chuyên môn cho nhân sự người Việt tại các công ty của Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư chất lượng cao của Hoa Kỳ không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, mà còn giúp phát triển hệ sinh thái của các doanh nghiệp và doanh nhân trong nước.
Việt Nam đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn của nhà đầu tư Hoa Kỳ, trong bối cảnh các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi tin rằng, yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi chính là môi trường pháp lý công bằng, có thể dự đoán và hợp lý, coi trọng sự đổi mới. Điều này không chỉ nhằm thu hút đầu tư mới, mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện hữu. Việc các nhà đầu tư hiện tại mở rộng hoạt động chính là cách quảng bá tốt nhất để thu hút các khoản đầu tư mới.
Thời gian gần đây, trong quá trình phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ một số điểm yếu, như còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước dễ bị tổn thương, tình trạng thiếu nguồn cung ứng điện… Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu trong doanh nghiệp nhà nước, quản trị quốc gia và quy trình quản lý đối với khu vực tư nhân để lấy lại động lực sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tiến lên trong chuỗi giá trị sản xuất.
Điểm đáng mừng là hơn một nửa số thành viên của AmCham chia sẻ, họ đang thực hiện đúng mục tiêu, thậm chí tốt hơn cả mong đợi, ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có hơn một nửa số thành viên của AmCham cho rằng, môi trường kinh doanh cần được cải thiện và Việt Nam cần đi đúng hướng hơn trong một số lĩnh vực then chốt.
Doanh nghiệp Hoa Kỳ hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã tập trung tăng cường phát triển chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư vào sản xuất công nghệ cao. Việc này có thể giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm những điểm đến đầu tư và sản xuất trên khắp Tây bán cầu, châu Á, châu Phi và châu Âu. Song, nếu không đảm bảo nguồn điện ổn định, giá cả thị trường hợp lý…, thì sẽ khó thu hút được nhiều nhà đầu tư mới.
Cải thiện pháp lý về năng lượng
Có một điều gắn kết tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư tương lai nào với nhau, đó chính là nhu cầu về độ tin cậy năng lượng và khả năng tiếp cận ngay lập tức năng lượng tái tạo. Việc giữ cho các hệ thống năng lượng hoạt động là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và việc đảm bảo cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo chính là một lợi thế cạnh tranh của đất nước. Các yếu tố cung – cầu về điện rất phức tạp và cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công với khu vực tư nhân là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững, đáng tin cậy, với giá cả phải chăng.
Nhà đầu tư rất mong có quy định hợp lý hơn để lắp đặt và cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo đáng tin cậy để tiến hành đầu tư. Việc thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, xây dựng nghị định về phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp đang là những vấn đề then chốt cần được giải quyết.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư khi các doanh nghiệp ngày càng tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của mình. Trong bối cảnh cạnh tranh về thu hút đầu tư, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì và phát huy những lợi thế đó.
Phát triển nhân lực
Việt Nam cần ưu tiên đào tạo lao động và kỹ sư, thực hành bền vững, cải thiện quy định về giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài và khả năng hỗ trợ ngành công nghiệp theo chiều dọc, đặc biệt khi các công ty đang tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 từ Trung Quốc.
AmCham khuyến nghị, Việt Nam cần dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư nước ngoài vào đào tạo nghề và chuyên môn để hỗ trợ phát triển các kỹ năng và năng lực quan trọng của lực lượng lao động. Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ tốt hơn cho nhà sản xuất vừa và nhỏ. Những doanh nghiệp này là một phần của các ngành công nghiệp hỗ trợ quan trọng, nhưng các khoản đầu tư riêng lẻ của họ rất nhỏ. Một số địa phương thường không khuyến khích những nhà đầu tư như vậy, gây ra sự chậm trễ trong việc cấp phép dự án. Trong khi đó, các doanh nghiệp này thường là những nhà tuyển dụng lao động có tay nghề và chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống hỗ trợ mà các nhà sản xuất toàn cầu đang cần ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên của AmCham cũng khuyến nghị Chính phủ xây dựng một cơ chế tốt hơn trong việc phê duyệt đầu tư vào các cơ sở sản xuất “đất nâu” (brownfield -mua hoặc cho thuê các cơ sở sản xuất hiện có để khởi động một hoạt động sản xuất mới). Các nhà sản xuất quốc tế gặp khó khăn trong việc bán các cơ sở mà họ đã xây dựng/đầu tư và những người mua tiềm năng gặp khó khăn trong việc phê duyệt, thực hiện các giao dịch mua, cũng như xin cấp giấy phép kinh doanh dành cho các cơ sở sản xuất chưa được phê duyệt. Thị trường dự án “đất nâu” đang hoạt động tốt chính là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho đầu tư.
Ngoài ra, cũng cần cải thiện hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng (hỗ trợ nhu cầu tiền mặt trong các giao dịch sản xuất) nhằm giúp thu hút thêm đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn tài chính như vậy từ các ngân hàng trong nước. Tương tự, hầu như các công ty nước ngoài cũng không thể tiếp cận được. Ngược lại, ở hầu hết các thị trường cạnh tranh, đơn đặt hàng của khách hàng là tài liệu đầy đủ để ngân hàng cung cấp nguồn tài chính ngắn hạn, tạo điều kiện cho nhà sản xuất có thể mua được nguyên liệu và thực hiện các hoạt động trước khi nhận thanh toán từ khách hàng.
(*) Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội