Doanh nghiệp sản xuất điện lo dòng tiền chậm
Doanh thu từ sản xuất và bán điện cho EVN chiếm 98% tổng doanh thu của PV Power |
Phải thúc ép mới nhanh được trả tiền
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, bà Mai Thanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho hay, EVN thường thanh toán sau 60 ngày kể từ khi hóa đơn được chấp nhận, nhưng giai đoạn vừa qua có lúc lên tận 90 ngày. Cũng tùy vào doanh thu của từng nhà máy mà số tiền nợ được EVN giữ lại nhiều hay ít.
Tính tới cuối năm 2023, công nợ phải thu của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh với Công ty Mua bán điện thuộc EVN lên tới 1.171 tỷ đồng, gồm 221,16 tỷ đồng tiền bán điện năm 2022 và 949,86 tỷ đồng tiền bán điện năm 2023. “Tình hình tài chính của EVN đang gặp khó khăn, nên vấn đề thu nợ tiền điện đang bị chậm so với kế hoạch”, Công ty cho biết.
Vì bị chậm thanh toán công nợ cả ngàn tỷ đồng, nên Vĩnh Sơn – Sông Hinh cũng phải thay đổi thời gian trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền (tổng cộng 472,48 tỷ đồng) từ ngày 22/3/2024 sang ngày 3/10/2024. Đồng thời, doanh nghiệp này phải vay ngắn hạn 350 tỷ đồng từ REE để thanh toán khoản nợ dài hạn tại HDBank – Chi nhánh Thủ Đức. Khoản vay này có lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại Vietcombank cộng biên độ 3%/năm, trả lãi theo tháng, thời điểm điều chỉnh lãi suất là 3 tháng/lần.
“Việc EVN khó khăn về dòng tiền có thể thông cảm. Nhưng nếu không bị thúc ép thanh toán, thì EVN cũng không có lý do để thúc ép tăng giá điện bán lẻ, nên đây là một vòng ảnh hưởng”, bà Mai Thanh nhận xét.
Còn có rất nhiều ví dụ khác về việc bán điện cho EVN mà chậm được trả tiền được nêu ra trong Báo cáo tài chính của các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện. Trường hợp Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là một ví dụ đáng chú ý.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PV Power cho thấy, nợ phải thu của Công ty Mua bán điện thuộc EVN vào đầu năm 2023 là 9.708 tỷ đồng, tới cuối năm đã lên tới 12.645 tỷ đồng. Năm 2022, doanh thu của toàn PV Power khoảng 28.790 tỷ đồng và năm 2023 là 29.075 tỷ đồng. Đáng nói là, doanh thu từ sản xuất và bán điện cho EVN chiếm 98% tổng doanh thu của PV Power.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 vào giữa tháng 5/2024 của PV Power, khi được chất vấn về vấn đề công nợ tiền bán điện, đại diện doanh nghiệp chỉ cho hay, đã có các báo cáo tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (vừa là cấp trên, vừa là cổ đông lớn) để trình các cấp có thẩm quyền đề nghị EVN/Công ty Mua bán điện thanh toán công nợ nên tình hình có cải thiện hơn. Dẫu vậy, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, số nợ hiện không dưới 7.000 tỷ đồng.
Tại Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung, cuối năm 2023, khoản phải thu từ Công ty Mua bán điện tăng 24,5% so với đầu năm, lên 419,4 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản. Tại Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, khoản phải thu khách hàng (chủ yếu là Công ty Mua bán điện) vào cuối năm 2023 cũng tăng 16,9% so với đầu năm, lên 159,9 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp hoạt động trong mảng năng lượng tái tạo cho hay, bình thường việc thanh toán sẽ gối đầu cỡ một tháng, nhưng cũng có lúc lên tới 3 tháng. Thậm chí, có thời điểm đến ngày đến giờ như thường lệ không thấy trả tiền, nhưng cũng không có bất cứ không báo nào.
“Chúng tôi phải có công văn gửi Công ty Mua bán điện rằng, ngân hàng gửi văn bản sang yêu cầu trả nợ khoản vay, nên cần được thanh toán tiền bán điện và sau đó được thanh toán”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Cũng có trường hợp 2 doanh nghiệp điện mặt trời mái nhà tại huyện Krông Pa, Gia Lai đã gửi giấy đề nghị thanh toán tiền điện trong 3 năm (từ tháng 3/2021 đến 3/2024) với số tiền hơn 26 tỷ đồng. Do Công ty Điện lực Gia Lai chậm trả tiền điện, nên doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì ôm nợ và trả lãi đều đặn cho ngân hàng.
Chưa đủ pháp lý, nên không đòi được tiền
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất điện bình thường dù bị chậm thanh toán, nhưng vẫn nhìn thấy dòng tiền về tài khoản, thì rất nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo đang gặp vướng mắc liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ lại chưa biết bao giờ mới nhận được tiền, dù điện đã phát.
Trong thư kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, Tập đoàn Trung Nam cho hay, Dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện. Cụ thể, sản lượng điện phát lên lưới từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2022 khoảng 687 triệu kWh thuộc phần công suất 172 MW, chưa được EVN thanh toán. Phần sản lượng này tương đương 813,6 tỷ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp.
Chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá bằng 40% mức giá khung với các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính, nhưng chưa được giải quyết.
Không chỉ dự án này, mà một loạt dự án điện khác chưa đủ pháp lý cũng bị dừng trả tiền, dù có ghi nhận sản lượng phát.
Trong một hội nghị của ngành ngân hàng, lãnh đạo của một số ngân hàng cho hay, do EVN dừng thanh toán, nên doanh nghiệp năng lượng tái tạo không thanh toán, khiến ngân hàng gặp khó khăn.
“Có những dự án vẫn đang trả nợ bình thường, nhưng thời gian qua, do EVN bị thanh tra, rà soát, nên bị ngắt dòng tiền. Hiện EVN vẫn mua điện, nhưng ngừng thanh toán, khiến các doanh nghiệp điện mặt trời bị ngắt dòng tiền, buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ, tính toán lại rủi ro”, đại diện một ngân hàng thương mại nhận xét.
Về phía mình, EVN cho hay, việc dừng thanh toán của một số dự án năng lượng tái tạo là do dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực, nên EVN chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán. EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật, nên không thể tự quyết định.
Thực tế, liên quan đến nhiều dự án được nhắc tới trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chưa đủ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải nhanh chóng có sự tháo gỡ từ Chính phủ và Bộ Công thương, bởi vấn đề không thuộc thẩm quyền của EVN. Tuy nhiên, việc giải quyết xem ra cũng không nhanh, bởi các cơ quan chức năng có vẻ lúng túng trong việc đưa giải pháp mà không bị quy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước.