1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Doanh nhân Trần Lâm, nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Natural House: Kinh doanh không chỉ hướng đến mục tiêu ngắn hạn
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Doanh nhân Trần Lâm, nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Natural House: Kinh doanh không chỉ hướng đến mục tiêu ngắn hạn

Từng có nhiều sản phẩm giữ vị trí số 1 trên thị trường thương mại điện tử, song CEO Trần Lâm tâm niệm rằng, thành tích đó không quan trọng bằng việc cùng đội ngũ của mình phát triển mỗi ngày, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.
Doanh nhân Trần Lâm, nhà sáng lập, CEO Công ty TNHH Natural House

Từ làm thuê, đến làm chủ, rồi lại làm thuê

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ví CEO Trần Lâm là “chàng trai vàng” của sàn thương mại điện tử. Bởi lẽ, nhiều năm liền, thương hiệu tinh dầu của anh giữ vị trí đứng đầu về doanh thu và được yêu thích trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee…

Với những thành tích đạt được trong kinh doanh, anh còn được sàn thương mại điện tử Lazada bầu là Ambassador (đại sứ) để trao đổi, đào tạo, giúp các nhà bán hàng mới có kinh nghiệm tiếp cận kênh bán hàng trên sàn điện tử.

Năm 2023, nhóm 5 thương hiệu của doanh nhân Trần Lâm, gồm Julyhouse, Macaland, Heviefood, Bub&Mum và Loli & TheWolf đạt mốc doanh thu ấn tượng, khoảng 100 tỷ đồng, trên các nền tảng. Con số này đồng thời thể hiện sức mạnh của doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua của người dùng suy giảm. Để có được thành công đó, bản thân Trần Lâm phải đánh đổi nhiều thứ, từ làm thuê, đến làm chủ, rồi lại quay về làm thuê.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, anh làm việc trong một doanh nghiệp sản xuất tinh dầu thiên nhiên với vị trí nhân viên bảo trì hệ thống máy. Bằng sự nỗ lực và tập trung cho công việc, anh lên chức giám đốc nhà máy tinh dầu, nắm gần như toàn bộ quy trình vận hành, sản xuất, quản lý cả trăm nhân viên và có cơ hội gặp gỡ nhiều đối tác giàu kinh nghiệm.

Cuối năm 2016, nhận thấy khát khao xây dựng sự nghiệp đủ lớn, Trần Lâm nghỉ việc và bắt đầu con đường kinh doanh riêng. Dựa trên lợi thế hơn 10 năm tích lũy kinh nghiệm tại nhà máy, anh bắt tay vào nghiên cứu và phát triển tinh dầu thiên nhiên của riêng mình.

Anh sử dụng công nghệ để chiết xuất tinh dầu từ cây cỏ thiên nhiên (tràm gió, sả chanh, vỏ bưởi, oải hương, cam…), tạo ra các sản phẩm như xịt phòng đuổi muỗi, xịt thơm quần áo, bộ chăm sóc tóc, nước rửa chén, nến thơm…

Bao nhiêu vốn liếng tích lũy sau cả chục năm đi làm thuê, Lâm đổ hết vào các vườn trồng nguyên liệu. Nhưng khi anh tung sản phẩm ra thị trường, mọi thứ trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng. Sóng gió thị trường dồn dập “vùi” luôn sản phẩm tinh dầu mới với bao tâm huyết, hoài bão của Lâm.

Sau cú sốc, anh lấy lại tinh thần rồi tìm việc tại một công ty khác, với vị trí nhân viên kinh doanh, chấp nhận mức lương cơ bản vài triệu đồng để có thể vừa làm, học hỏi, vừa chăm chút cho thương hiệu và gian hàng trực tuyến của mình.

Nhớ về những ngày vất vả, cùng lúc vừa đi làm thuê, vừa xây dựng gian hàng thương mại điện tử, một mình đảm nhận từ khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quản lý vận hành, cho đến giao hàng, Trần Lâm không ngờ có ngày doanh nghiệp của mình vươn lên vị trí số 1 của ngành hàng trên thị trường thương mại điện tử.

“Khi bắt đầu kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành Top 1 hay vị trí cụ thể nào. Thực ra, mục tiêu lúc đó chỉ đơn giản là tìm cách để bán được hàng, kiếm tiền và phát triển kinh doanh”, Trần Lâm bộc bạch.

Sau một thời gian triển khai, đến nay, anh sở hữu khoảng 150 sản phẩm (nước lau sàn, tinh dầu thơm, tinh dầu đuổi muỗi…), “phủ sóng” khắp các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, doanh nghiệp của anh là đơn vị cung cấp tinh dầu thiên nhiên nguyên chất và sản phẩm ứng dụng hương thơm cho nhiều đối tác, khách hàng.

Thấu hiểu người dùng là chìa khóa tạo lối đi riêng

Trong mắt các đồng nghiệp, Trần Lâm được nhìn nhận như một “hiện tượng” trên sàn thương mại điện tử, khi anh quyết định chọn con đường tự sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng để tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người dùng, thay vì chỉ là một người bán hàng thứ cấp. Do đó, Công ty Natural House không ngừng phát triển sản phẩm mới, tạo ra nhu cầu và thu hút sự quan tâm của khách hàng.

“Cách đây hơn 2 năm, tôi nhận thấy, các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử đều có tuổi đời khá trẻ. Cách thức các bạn làm lúc đó khá đơn giản: thấy mặt hàng nào bán chạy thì nhập về bán. Khi đó, không mấy ai tập trung xây dựng thương hiệu, tìm tòi phát triển sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và cải tiến chất lượng cho tốt hơn. Tôi làm khác, vì tôi có xuất phát điểm làm việc tại nhà máy sản xuất tinh dầu thiên nhiên, am hiểu và có năng lực triển khai sản phẩm. Thêm vào đó, từng làm quản lý, nên tôi triển khai công việc cũng bài bản hơn”, anh chia sẻ.

Ông chủ Natural House cho rằng, theo thời gian, kinh doanh thương mại điện tử đòi hỏi có chiều sâu hơn, mỗi thương hiệu cần có sự khác biệt hơn để cạnh tranh và tồn tại. Nhờ thấu hiểu và nỗ lực đáp ứng nhu cầu của người dùng, Natural House trở thành hiện tượng trên sàn thương mại điện tử, vươn lên vị trí số 1 ngành hàng sau một thời gian kinh doanh.

“Để giữ được vị trí dẫn đầu nhiều năm, tôi phải luôn tìm tòi, học hỏi. Tôi không thể thấy mình lớn, có kinh nghiệm, hay có một số kết quả mà ngừng cố gắng”, Trần Lâm nói.

“Top 1 không quan trọng bằng kinh doanh ổn định”

Sau giai đoạn khởi sự với nhân viên duy nhất là chính mình, Trần Lâm bắt đầu xây dựng ngội ngũ, tuyển nhân viên làm việc bán thời gian. Sau một năm, hoạt động kinh doanh phát triển hơn, anh tuyển thêm nhân sự làm việc toàn thời gian. Công ty tăng trưởng liên tục, đội ngũ nhân sự hiện nay gồm hơn 50 người.

Với định hướng xây dựng doanh nghiệp bền vững, Trần Lâm phát triển mọi thứ có tính quy trình, hệ thống để đội ngũ có thể đi cùng, hiểu về thương hiệu và người dùng, triển khai các hạng mục một cách chuyên nghiệp. Tất nhiên, anh hiểu, với mô hình phát triển doanh nghiệp theo quy trình bài bản, sẽ khó linh động và không dễ nhanh chóng nắm bắt cơ hội, công cụ mới để bứt phá như các đơn vị bán hàng nhỏ hơn.

Khi được hỏi, thận trọng như vậy có khiến Công ty đánh mất vị trí Top 1 doanh thu không, Trần Lâm thẳng thắn thừa nhận: “Nói không sợ cũng không đúng. Khi năng lực đội ngũ mạnh lên, mình có thể giữ được vị trí đó. Nhưng Top 1 đôi khi cũng không tốt, bởi chúng ta còn có những mục tiêu khác nữa”.

Anh nêu dẫn chứng, nhiều đơn vị dành chi phí lớn cho quảng bá trong thời gian dài, bất kể lợi nhuận sụt giảm, cố gắng chạy đua để giành vị trí Top 1 trên sàn thương mại điện tử, nhưng sau đó vẫn “biến mất” khỏi sàn. Với Trần Lâm, giành Top 1 không quan trọng bằng việc duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, có lợi nhuận, có khả năng phát triển lâu dài.

Thay vì cạnh tranh về giá, đầu tư nhiều cho khuyến mãi, anh chú trọng vào tính bền vững và trách nhiệm với cộng đồng xã hội trong từng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Anh kết hợp với người nông dân để làm trang trại organic ở Lâm Đồng, giúp nông dân có thêm việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Anh kết hợp với các nhà máy sản xuất cùng ngành hàng để giảm chi phí đầu tư, hạ giá bán.

“Khi phát triển ổn định, có nền tảng, có lời, thì tự nhiên sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu. Như vậy bền vững hơn rất nhiều”, Lâm tâm niệm.

Nhờ quan điểm phát triển bền vững, dù có thời điểm, sản phẩm của Trần Lâm không đạt doanh số cao nhất, nhưng trong lòng người dùng, khách hàng và đối tác, các thương hiệu của anh vẫn ở vị trí hàng đầu, luôn hiện diện trên sàn thương mại điện tử, không chịu ảnh hưởng bởi các đợt bão giá, chạy đua doanh thu của người bán.

Chat với Trần Lâm

Làm thế nào để có thể đạt doanh thu lên đến con số triệu USD trên sàn thương mại điện tử, thưa anh?

Để đạt được doanh số lớn, thì dung lượng thị trường phải đủ lớn và bản thân doanh nghiệp phải đủ năng lực để có được thị phần cần thiết. Ví dụ, để đạt ngưỡng triệu USD, dung lượng thị trường có thể phải lên đến vài chục, vài trăm triệu USD. Khi đó, thị phần của doanh nghiệp chỉ cần khoảng vài phần trăm là có thể đạt được mục tiêu.

Theo anh, đâu là cơ hội cho người bán mới?

Cơ hội đầu tiên là khi họ có sản phẩm độc đáo, hay phù hợp với thị hiếu người mua hàng trên sàn thương mại điện tử, bởi người dùng có thể dễ dàng chuyển từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, nếu họ thấy sản phẩm không quá khác biệt, mà giá cả khác nhau nhiều. Hiện là thời đại của mạng xã hội, nên nhà bán hàng có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây.

Sau nhiều năm kinh doanh, điều tâm đắc nhất của anh trong kinh doanh là gì?

Kinh doanh là tạo ra giá trị cho xã hội và cho bản thân mình. Kinh doanh không chỉ hướng đến những mục tiêu ngắn hạn và dễ định lượng, như doanh số hay thị phần, mà nên quan tâm đến những yếu tố quan trọng trong dài hạn, như sự hài lòng và ủng hộ của tất cả các bên liên quan, từ khách hàng, nhân sự và đối tác, cho đến cơ quan quản lý nhà nước.

 

4 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud