- Home
- Thời sự - Xã hội
- G7 xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, bảo vệ các công nghệ quan trọng mới nổi
G7 xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, bảo vệ các công nghệ quan trọng mới nổi
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G7 ở Stresa, Italia vào ngày 24/5/2024. Ảnh: AFP |
Bảo vệ nền kinh tế trước những cú sốc và lỗ hổng hệ thống
Dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Stresa (Italia) đã đưa ra quan điểm chung mạnh mẽ hơn nhiều so với nội dung mà các quan chức G7 đã thông qua một năm trước khi họp ở Niigata ở Nhật Bản và vào tháng trước ở Washington.
“Chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ nền kinh tế của chúng tôi khỏi những cú sốc và lỗ hổng hệ thống”, các quan chức G7 nêu trong dự thảo mà Bloomberg tiếp cận được.
Họ cho rằng: “Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ nỗ lực làm cho chuỗi cung ứng của mình trở nên linh hoạt hơn, đáng tin cậy, đa dạng và bền vững hơn, đồng thời ứng phó với các hành vi có hại, đồng thời bảo vệ các công nghệ quan trọng và mới nổi”.
Nội dung trên vốn không được đề cập trong các tuyên bố trước đó của G7 bởi những văn bản này nhắc đến “hệ thống đa phương tự do, công bằng và dựa trên quy tắc”.
Nội dung thay đổi trên sẽ có nguy cơ đẩy leo thang lên cao chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ – một cuộc bầu cử được kỳ vọng đưa ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng – người có xu hướng đối đầu và áp dụng các đòn thuế quan mạnh tay.
Theo Bloomberg, Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp thương mại ngày càng mạnh mẽ hơn.
Các quan chức Mỹ hôm 24/5 thông báo rằng Tổng thống Joe Biden sẽ tái áp dụng thuế quan đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như một phần trong kế hoạch quy mô lớn hơn nhằm tăng thuế trong các lĩnh vực chiến lược và bảo vệ ngành sản xuất chế tạo của nước này.
Thông cáo chung của Hội nghị G7 lần này vẫn có thể thay đổi trước khi được chính thức phê duyệt.
Mối lo ngại ngày càng lớn
Nhận định của các quan chức xung quanh Hội nghị G7 lần này cho thấy liên minh này ngày càng lo ngại rằng nền công nghiệp Trung Quốc có thể làm suy yếu nền kinh tế của họ.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: “Một trong những cuộc thảo luận mà chúng tôi đã thực hiện là về các quy tắc thương mại với Trung Quốc và sự cần thiết phải giải quyết vấn đề dư thừa năng suất công nghiệp”. “Chúng ta cần có câu trả lời chung và mạnh mẽ cho câu hỏi đó”, Bộ trưởng Bruno Le Maire nhấn mạnh.
Dự thảo tuyên bố chung cũng đề cập đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó lưu ý rằng nền kinh tế thế giới “đã cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn mong đợi trước nhiều cú sốc”.
Dự thảo cũng cho thấy các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương G7 thừa nhận rằng cú sốc giá tiêu dùng đã hoành hành ở các quốc gia của họ trong vài năm qua có thể chưa hoàn toàn kết thúc.
Các quan chức G7 nêu trong dự thảo: “Thị trường lao động vẫn tương đối mạnh mẽ và lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, mặc dù lạm phát cơ bản đang tồn tại dai dẳng, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ”.
Họ cũng đề cập đến sự khác biệt kinh tế đang tồn tại ngay trong liên minh. Trong khi tăng trưởng kinh tế đang nghiêng về phía Mỹ, thì các thành viên khác trong liên minh lại có động lực tăng trưởng kém hơn nhiều.
Họ đánh giá: “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể vẫn ở dưới mức trung bình lịch sử và không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực”. “Triển vọng kinh tế vẫn gặp rủi ro trong bối cảnh có nguy cơ căng thẳng địa chính trị leo thang và giá năng lượng biến động”.
Mặc dù các vấn đề tài chính không phải nội dung thảo luận nổi bật trong chương trình nghị sự của Hội nghị G7 lần này, nhưng các quan chức tham gia Hội nghị dường như thống nhất về sự cần thiết phải cải thiện nền tài chính công trong trung hạn, ở thời điểm mà hầu hết các quốc gia thành viên phải đối mặt với gánh nặng nợ nần chồng chất đã vượt quá giới hạn 100% sản lượng kinh tế.
“Dần dần xây dựng lại vùng đệm tài chính là ưu tiên hàng đầu để tăng cường tính bền vững tài chính và tạo thêm không gian để ứng phó với những cú sốc mới, đồng thời tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và thực hiện đầu tư cần thiết để thúc đẩy tính bền vững và khả năng phục hồi, được củng cố bằng một chương trình cải cách cấu trúc đầy tham vọng nhằm tăng cường tiềm năng tăng trưởng”, dự thảo nêu.
Các quan chức G7 dường như cũng quyết tâm tái khẳng định nhận định trước đây của họ về tiền tệ, đồng thời đảm bảo “các chính sách cơ cấu và kinh tế vĩ mô được truyền đạt rõ ràng và hợp lý, cố gắng hạn chế tác động lan tỏa tiêu cực thông qua truyền thông rõ ràng”.
Cảnh báo chống biến động tỷ giá quá mức
Các quan chức tài chính G7 sẽ tái khẳng định cam kết cảnh báo của họ trước những động thái tiền tệ biến động quá mức và mất trật tự.
“Chúng tôi tái khẳng định các cam kết về tỷ giá hối đoái vào tháng 5/2017”, dự thảo cho biết, đồng tình với lời kêu gọi của Nhật Bản rằng quan điểm của liên minh này về sự cần thiết phải ổn định thị trường tiền tệ.
Trước đó, các nước G7 đã có một thỏa thuận lâu dài rằng sự biến động quá mức và hỗn loạn tiền tệ là điều không mong muốn và các quốc gia có quyền can thiệp trên thị trường khi tỷ giá hối đoái trở nên quá biến động.
Tokyo lập luận rằng thỏa thuận này cho phép họ tự do can thiệp vào thị trường tiền tệ để chống lại những động thái quá mức của đồng yên.
Nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda nói với các phóng viên ở Stresa rằng ông sẽ thúc đẩy thông cáo chung đưa vào nội dung tái khẳng định cam kết về tỷ giá hối đoái.
Trong thông cáo của các nhà lãnh đạo tài chính G7 vào tháng 5/2017, liên minh này cho rằng, “sự biến động quá mức và những biến động mất trật tự trong tỷ giá hối đoái có thể có tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế và tài chính”.