Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 94,11% người mua nhà tái định cư
Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đến nay, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất; trong đó, số thửa đất đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp GCN là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%.
Đối với cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, đến nay, đã cấp được 317.808 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 86,28%. Trong đó, từ 1/1/2024 đến 20/6/2024, đã cấp GCN cho 4.254 căn.
Về cấp GCN cho người mua nhà tái định cư, đến nay, đã cấp được 14.798/15.724 căn, đạt 94,11%. Cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.86 thửa, đạt 99,21%…
Có thể thấy, công tác đăng ký, cấp GCN trên địa bàn TP. Hà Nội đã có nhiều kết quả chuyển biến tích cực, rõ nét. Phản ánh sự quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, các ngành, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND TP. Hà Nội và các ngành, sự cố gắng tích cực của các quận, huyện, thị xã và sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân trong thời gian qua.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc ủy quyền, phân quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiết kiệm nguồn nhân lực, chi phí và thời gian cho việc luân chuyển hồ sơ, đồng thời cho phép người dân có thể thực hiện.
Thủ tục cấp GCN bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện để làm thủ tục đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực thiện các TTHC. Đây là một bước cải cách TTHC hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất. Một số quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người dân; chưa thẩm định xong hồ sơ cấp GCN lần đầu.
Công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chưa dứt điểm, còn khoảng 1.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; khoảng 19.000 nhà ở tự quản nhưng không còn nhà ở cũ, người dân đã xây dựng thành nhà ở mới. Một số dự án nhà ở có tình trạng vi phạm quy hoạch, thiết kế được duyệt làm gia tăng dân số cơ học, ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.
Bên cạnh đó, xây dựng Đề án giá dịch vụ công của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, áp dụng đối với các thủ tục: Cấp GCN và đăng ký biến động đối với căn hộ chung cư; Đăng ký thế chấp; Xóa đăng ký thế chấp; Đăng ký biến động thông tin về tên người sử dụng đất;
Ngoài ra, thực hiện luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức định kỳ; thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ hàng tháng; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, niêm yết công khai, minh bạch TTHC, nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và có giải pháp hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp GCN lần đầu tại các quận, huyện, thị xã và thanh tra, kiểm tra việc đăng ký biến động đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai.