Hà Nội phấn đấu có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Tăng tốc hoàn thành mục tiêu
Ngày 27/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy đến quý II/2024; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2024.
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đến quý II/2024; kế hoạch, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, Thành phố có thêm 75 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 48 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến nay là 186 xã và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 544 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU. |
Trong tháng 6/2024, Thành phố đã thẩm định thêm 2 xã đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2024 là 19.410,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Thành phố là 7.045,8 tỷ đồng, chiếm 36,3%; Ngân sách huyện: 11.613,4 tỷ đồng, chiếm 59,8%; Ngân sách xã: 360,6 tỷ đồng, chiếm 1,9%; Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 390,9 tỷ đồng, chiếm 2%.
Từ năm 2021 đến nay, có 10 quận thuộc Thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 867 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024: quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phú Xuyên 30,7 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ huyện Phú Xuyên 5,5 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 100.335/165.000 lao động, đạt 60,8% kế hoạch năm; ước 6 tháng đầu năm, tạo việc làm mới cho 120.000 lao động, đạt 73% KH năm, tương đương cùng kỳ năm 2023. Đến tháng 6/2024, Thành phố còn 676 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó khu vực nông thôn còn 676 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,05% so với dân cư khu vực nông thôn (7/18 huyện, thị xã không có hộ nghèo: thị xã Sơn Tây, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì).
Tuy nhiên, đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiêu chí trường học còn gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các huyện đang trong quá trình triển khai hoặc chuẩn bị đầu tư nâng cấp, cải tạo trường để công nhận lại hoặc nâng chuẩn quốc gia, trong khi yêu cầu đối với huyện nông thôn mới nâng cao là toàn bộ các trường THPT trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ I, trong đó, có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Về mặt hạn chế, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đạc biệt là chế biến sâu; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Việc phát triển nghề và làng nghề phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề còn hạn chế, nguy cơ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Du lịch làng nghề phát triển chậm, việc đầu tư cho làng nghề chưa đồng bộ, chưa có nhiểu điểm du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết, đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành 9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, đang hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao của Thành phố. Về tiêu chí nước sạch nông thôn, đồng chí đề nghị Công ty nước sạch đấu nối đường ống đến thêm 10 xã (thêm 5 xã so với kế hoạch).
Tại huyện Thanh Oai, ông Bùi Hoàng Phan, Bí thư Huyện ủy thông tin, đến nay huyện có thêm 12/20 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đang quyết tâm dồn các nguồn lực, phối hợp sở, ngành hoàn thiện và xây dựng các bộ hồ sơ theo đúng quy định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn trong công tác đấu giá đất chậm do vướng mắc về cơ chế; chỉ tiêu về nước sạch nông thôn…
Trao đổi về công tác đào tạo nghề, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, thời qian qua, tỷ lệ hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm, đây là tín hiệu mừng đối với thị trường lao động. Đến nay, đã đạt 45,9% kế hoạch đào tạo nghề. Về kết quả rà soát hộ nghèo, đến hết quý I/2024, 19/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Thành phố đặt mục tiêu đến 10/10, Hà Nội không còn hộ nghèo.
Để đạt mục tiêu trên, đồng chí đề nghị tập trung xóa các hộ nghèo trên tinh thần hỗ trợ vốn vay và phải đánh giá rõ nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ cụ thể. Đối với công tác đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, đồng chí đề nghị tập trung chỉ đạo đào tạo nghề khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được trong quý II/2024, trong đó, đến nay, Thành phố đã có 100% huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đang hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương trong tháng 6/2024. Phấn đấu trong tháng 7/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghị. |
Thành phố phấn đấu trong tháng 7/2024, có 4 huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; phấn đấu cuối năm 2024 có thêm 3 huyện (Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; Thành phố có thêm ít nhất 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhấn mạnh Hà Nội là địa phương có số sản phẩm OCOP đứng đầu cả nước, tuy nhiên, mới có 6 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị tập trung chỉ đạo để phấn đấu năm 2024, đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên, trong đó có từ 10 – 15 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hiện nay, hoạt động các hợp tác xã vẫn chưa khởi sắc, chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển, đó đó, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, đề xuất với Thành phố và Trung ương để góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Về phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tập trung. Song song với đó, tích cực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các địa phương khó khăn.
Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, trong đó, phải có kế hoạch, giải pháp căn cơ hoàn thành mục tiêu xóa toàn bộ hộ nghèo của Hà Nội, trong đó, khu vực nông thôn là chủ yếu. Đặc biệt, tập trung hoàn thành xây dựng nhà cho người nghèo, phấn đấu đến ngày 10/10/2024, hoàn thành xây toàn bộ nhà cho các hộ nghèo theo kế hoạch đã đề ra.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao sự hỗ trợ của các quận đối với các huyện trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí đề các quận tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ cho các huyện. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chương trình, phấn đấu hết năm 2024, đạt 95%.