Nhà báo Hồ Quang Lợi viết về hành trình gần 45 năm đi tìm “Người trên đường đời”
“Người trên đường đời” – dấu ấn của hành trình gần 45 năm cầm bút
Sáng 12/6, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội phối hợp với Thư viện Hà Nội đã tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Người trên đường đời” của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi. Cuốn sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Tác phẩm gồm 50 bài viết, được chia thành 4 chương, bao gồm 4 chủ đề lớn, lần lượt là: Người giữa phong ba, Phẩm cách, Chở bao nhiêu đạo, Ánh sáng của lương tri.
Hai phần đầu tiên đều gắn với những sự kiện lịch sử hoặc những đổi thay của đất nước. Ở đó, người đọc thấy được chân dung của những nhà lãnh đạo cấp cao, những nhân chứng lịch sử, những người có quyền quyết định vận mệnh, sự phát triển của đất nước như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc; Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị…
Trong phần 3 của cuốn sách – Chở bao nhiêu đạo, tác giả viết về các văn nghệ sĩ, những bậc trí thức mà ông yêu quý như: nhà báo Hữu Thọ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà sử học Phan Huy Lê, nhà báo Phan Quang, Giáo sư Vũ Khiêu, nhạc sĩ Hồng Đăng…
Tác giả dành phần 4 – Ánh sáng của lương tri để viết về những người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới và cả những người có thể làm thay đổi trật tự thế giới, có thể tác động đến sự phát triển của loài người, như: cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tỷ phú Bill Gates… Người khép lại chương này và cũng là người kết thúc cuốn sách này là Tổng thống V. Putin – người đang ở trên “sóng gió của thời cuộc” hôm nay.
Theo tác giả, cuốn sách này được dành để viết về những con người đã tạo những dấu ấn rất sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của ông.
Ở vị thế của một nhà báo viết bình luận xuất sắc, ông có cơ hội đi nhiều, gặp nhiều, trải qua loạt cung bậc cảm xúc vừa hiện thực tới khốc liệt, vừa đẹp đẽ và thi vị.
Các nhân vật trong cuốn sách của ông, có nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước trên thế giới.
Với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt và đóng góp to lớn của mình, họ đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam trong suốt thế kỷ qua.
Ông cho rằng chúng ta có được như ngày nay vì đất nước này có những con người như thế, có những người bạn quốc tế như thế.
Những nhân vật trong cuốn sách còn là những con người mà các bước đường đầy gian truân, thử thách và cống hiến của họ là những ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về những giá trị đích thực trong cuộc sống.
Thông điệp nhân văn của “Người trên đường đời”
Nhà báo Hồ Quang Lợi nói đây là lần đầu tiên ông xuất bản thể loại ký chân dung, sau 13 cuốn sách gồm các bài viết bình luận, nhận định trước đó.
“Qua cuốn sách, tôi muốn nhắc nhớ chúng ta về lòng tri ân. Để có đất nước như hôm nay đã có bao xương máu của tiền nhân đổ uống. Chúng ta không được quên điều đó và phải có tinh thần trách nhiệm với hôm nay, tương lai để không hổ thẹn với tiền nhân.
Điều thứ hai tôi muốn gửi gắm là sự tử tế. Một xã hội có hoa lệ, phồn vinh đến mấy mà không có tình thương, lòng trắc ẩn thì không phải là xã hội đáng sống.
Sự vô cảm trong con người, là cái chết trong tâm hồn. Tôi muốn nhân lên lòng nhân ái, quan tâm đến con người đặc biệt là những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn.
Điều thứ ba là tinh thần hòa hiếu, hữu nghị. Tinh thần ấy sẽ giúp chúng ta vượt qua hận thù, biến tư thù thành đối tác chiến lược lớn. Có như vậy, đất nước mới phát triển mạnh mẽ, vững bền”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại họp báo ra mắt sách.
Giới thiệu về “Người đi trên đường đời”, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhận định đây là cuốn sách khác với những tác phẩm đã từng tin trước đây của nhà báo Hồ Quang Lợi. Các tác phẩm trước hầu như nghiêng về bình luận quốc tế, bình luận thời cuộc. Còn “Người trên đường đời” nói về những con người cụ thể, mang đến một góc nhìn khác về cuộc sống muôn màu.
Ông Thái cho rằng tác giả Hồ Quang Lợi đã rất cân nhắc khi lựa chọn các bài viết trong cuốn sách, thể hiện sự cẩn trọng, nghiêm khắc cùng thái độ trân quý thời gian của bạn đọc khi đến với tác phẩm của mình.
“Qua 4 chủ để lớn, có thể thán phục bước chân của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi, tác phong sâu sát, ‘chân đi tay viết’ giữa không khí của nắng gió, thời tiết đất trời và ‘thời tiết’ chính trị sẽ ngay tức khắc đưa đến niềm tin cậy và thích thú đối với bạn đọc,” ông Thái nhận định.
Trong khi đó, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng bình luận: “Tất cả những “người trên đường đời” được viết, dựng, tô đậm trong tác phẩm này đều được xuyên suốt bởi những phẩm cách đáng trọng, noi gương.
Phẩm cách ấy được nhắc đến từ vị tướng lừng danh đến nhà khoa học, chính trị gia, nghệ sĩ tài ba đã đi vào lòng nhân dân như một ký ức lương thiện.
Ngòi bút của Hồ Quang Lợi thấm đẫm cảm hứng “viết để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người”. Với tác phẩm lần này, tôi gọi Hồ Quang Lợi là nhà tài phiệt”.
Nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi sinh ra ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, anh hiện là Phó chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam. Anh từng đoạt 9 giải Báo chí Quốc gia và toàn quốc (trong đó có 5 giải A) các năm: 1991, 1997, 2003-2006, 2008 – 2009; 2 giải thưởng Văn học, Nghệ thuật, Báo chí về Chiến tranh Cách mạng và LLVTND (1991-1995; 1999- 2004)….
Anh cũng là tác giả nhiều cuốn sách giá trị về nghề báo: “Cuộc bứt phá toàn cầu” (1997), “Ẩn số thời cuộc” (2004), “Xung chấn kỷ nguyên đột biến” (2011), “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc” (2012), “Những chân trời cuộn sóng” (2013), “Hà Nội – Cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại” (2014), “Thế sự và mắt nhìn” (2015), “Nước Nga hành trình tới tương lai” (2017), “Thời cuộc và Văn hóa” (2019)…