1. Home
  2. Đời sống
  3. Nhà hát Thành phố Hải Phòng: Đánh thức các tác phẩm văn học bằng nghệ thuật sân khấu
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Nhà hát Thành phố Hải Phòng: Đánh thức các tác phẩm văn học bằng nghệ thuật sân khấu

Quỳnh Nga
– 29/06/2024 18:02
 

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, sáng tác năm 1937. “Bỉ vỏ” phản ánh một xã hội bất công, đen tối, đầy khổ cực của người nghèo.

Người dân sống trong cảnh lầm than dưới ách áp bức của thực dân Pháp những năm đầu của thế kỷ XX. Ảnh: Quỳnh Nga

Được triển khai từ tháng 7/2023, chương trình “Sáng đèn Nhà hát thành phố” đã mang đến chuỗi các chương trình, vở diễn đặc sắc diễn và đã trở thành điểm hẹn văn hóa độc đáo, ấn tượng đối với người dân Hải Phòng nói riêng và du khách đến với nơi đây.

Gần đây, tác phẩm văn học kinh điển của thế giới và trong nước đã được đến gần hơn với khán giả Hải Phòng. Chia sẻ thêm về điều này, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc sở Văn hóa Thể Thao Hải Phòng cho biết: “Việc sân khấu hoá tác phẩm văn học có thể coi là một trong những hoạt động tiếp nhận văn học. Đó là một hoạt động tiếp nhận đặc biệt, trong đó người đọc không phải là một cá nhân mà là một tập thể gồm: đạo diễn, biên kịch, diễn viên, hoạ sĩ,… Qua sân khấu, âm nhạc, lời thoại, diễn xuất của diễn viên mỗi người tiếp nhận sẽ có một góc nhìn riêng về tác phẩm. Và có thể thấy, quá trình sân khấu hoá các tác phẩm văn học đã phần nào làm “sống lại”, tạo cho tác phẩm một sức sống mới”.

Sông Tam Bạc, bến Bính, nhà ga xe lửa trong tác phẩm Bỉ vỏ được tái hiện trong vở nhạc kịch. Ảnh: Quỳnh Nga

Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” do Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng chỉ đạo và Đoàn Ca múa Hải Phòng thực hiện. Qua sự dàn dựng của ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, “Bỉ vỏ” được đưa lên sân khấu nhạc kịch Hải Phòng vẫn mang đến nỗi ám ảnh về thân phận con người trong xã hội cũ, nhưng cũng mang trong đó sự khát khao sống, hướng đến những giá trị tốt đẹp, tích cực trong xã hội lúc bấy giờ.

Vở diễn có kết cấu gồm 3 hồi, trong đó, hồi I – “Trùm cuối” gồm 3 cảnh: Hải Phòng 1937, Bản án, Trùm cuối; Hồi II – “Cuộc rượt đuổi của số phận” gồm 6 cảnh: Phố Hạ Lý, Tiếng đêm, Lời cuối, Người đàn bà bạc phận, Cũng một kiếp người, Giấc mơ giải thoát; Hồi III – “Con đường bụi mờ” gồm 6 cảnh: Tình nghĩa giang hồ, Chuyến tàu, Bến 6 kho, Sống mòn, Chạm vào yêu thương, Giọt lương tri.

Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Quỳnh Nga

Với sự kết hợp của nhiều thủ pháp nghệ thuật như: âm nhạc, vũ đạo, diễn xuất và đặc biệt là công nghệ hiện đại của ánh sáng, màn hình led rất ấn tượng, vở nhạc kịch đã “kể” câu chuyện về Bính, một cô gái nghèo. Vì nhẹ dạ, Bính yêu một gã Tham đạc điền và bị bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa. Cô bị cha mẹ hắt hủi, đay nghiến, đứa bé sinh ra phải đem bán vì sợ làng bắt vạ.

Bính trốn làng quê đi Hải Phòng mong tìm được người tình. Sau mấy ngày đêm lang thang đói khát, có lần suýt bị làm nhục ở một vườn hoa, Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Gã lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính rồi lôi cô ra Sở cẩm. Cô bị đưa vào nhà “lục xì”, sau đó rơi vào nhà chứa. Sống ê chề cực nhục ở nơi bẩn thỉu hôi hám, Bính ốm nặng.

Cảnh Tám Bính trong cuộc sống mưu sinh. Ảnh: Quỳnh Nga

Vì quá đau khổ, Bính tự tử nhưng được Năm Sài Gòn, một trùm lưu manh ở Hải Phòng chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc hết lòng. Nhưng rồi, Năm bị bắt, Bính tuy nghèo túng nhưng buôn bán lương thiện kiếm sống, chờ gã trở về.

Hình tượng thể hiện sự khát khao hướng đến cuộc sống tốt đẹp của Tám Bính và Nam Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Nga

Năm được tha nhưng không nghe lời khuyên của Bính, tiếp tục con đường giang hồ nên cô bị lôi cuốn theo, trở thành một “bỉ vỏ”.

Một lần, Năm cướp được một đứa bé đeo vòng vàng trên tàu thủy. Bính hốt hoảng nhận ra đó chính là đứa con mà bao lâu Bính nhớ thương, khắc khoải mong tìm lại. Nhưng nó đã chết.  Giữa lúc đó, đội xếp, mật thám ập vào, Năm và Bính đều bị bắt.

Bằng nghệ thuật sân khấu nhạc kịch, tác phẩm “Bỉ vỏ” sẽ chạm gần hơn tới cảm xúc của khán giả. Trong vở diễn lần này, âm nhạc mang chất liệu Funk (một thể loại âm nhạc pha trộn giữa R&B, Jazz và Soul) đã khiến cho khán giả cảm nhận sâu hơn sự u tối, dữ dội, giằng xé của nhân vật trong hiện thực phũ phàng xã hội thời bấy giờ.

Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: Quỳnh Nga

Trước đó, cùng thể loại, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” dựa trên tác phẩm văn học của đại văn hào Pháp Victor Hugo được đoàn Kịch nói Hải Phòng Hải Phòng công diễn. Với sự tham gia của hơn 150 nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn Hợp xướng Quốc tế Hanoi Voices kết hợp với dàn nhạc giao hưởng trình diễn trực tiếp cùng nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật Hải Phòng đã đem đến nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

“Đầu tư cho văn hóa cũng là đầu tư cho phát triển bền vững. Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nêu: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây cũng chính là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của TP. Hải Phòng trong quá trình xây dựng và phát triển. Hiện nay, ngành văn hóa đang thực hiện các đề án, kế hoạch với hy vọng tạo bước đột phá trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật Hải Phòng”, bà Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh.

Vừa qua, tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024, Đoàn kịch nói Hải Phòng đã dành huy chương Vàng với vở diễn “Bắt quỷ” với đề tài phòng chống tham nhũng cùng với 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc cá nhân cho các nghệ sĩ, diễn viên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc tại Liên hoan (ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng (áo đỏ)).

6 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud