Nhiều dây chuyền sản xuất kính xây dựng dừng hoạt động trên 6 tháng
Năng lực sản xuất lớn, thị trường đầu ra gặp khó do thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dây chuyền sản xuất kính xây dựng đã phải dừng sản xuất.
10 năm qua, sản lượng sản xuất kính xây dựng đã tăng nhanh, tăng mạnh nhất là 2028 từ 154 triệu m2 QTC lên 204 triệu m2 QTC.
Tuy nhiên, từ 2022 đến nay, sản lượng sản xuất đã liên tục suy giảm. Năm 2023, sản lượng sản xuất đạt 241 triệu m2, tương đương 72,8% tổng công suất thiết kế.
Riêng kính xây dựng, sản lượng sản xuất năm qua đạt 175 triệu m2, sản lượng tiêu thụ nội địa 153 triệu m2 QTC, bằng 87% sản lượng sản xuất và giảm 21% so với năm 2022.
Sản xuất, tiêu thụ kính xây dựng từ 2013 – 2023. |
Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2023 đến nay, đã có 3 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất trên 6 tháng, gồm: Nhà máy Kính nổi Viglacera (VIFG) – Bình Dương; Nhà máy kính nổi Chu Lai (Chu Lai, Quảng Nam) và Nhà máy kính nổi Tràng An (Ninh Bình).
Ngoài ra còn 1 dự án dừng chưa triển khai xây dựng (tương ứng công suất phải dừng hoạt động khoảng 40% tổng công suất thiết kế của cả nước). Ước tính đến hết tháng 6/2024, sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 106 triệu m2 QTC.
Hiện, cả nước có 4 doanh nghiệp sản xuất kính nổi, 3 doanh nghiệp sản xuất kính siêu trắng/kính năng lượng mặt trời, 3 doanh nghiệp sản xuất kính cán. Tổng năng lực sản xuất toàn ngành ước đạt 5.900 tấn/ngày, tương đương 331 triệu m2 QTC/năm. Việt Nam đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng kính lớn nhất Đông Nam Á.
Các dây chuyền sản xuất kính có thể sản xuất các sản phẩm kính tôi nhiệt an toàn, kính dán an toàn nhiều lớp, kính màu, kính gương, kính hộp, kính cách âm-cách nhiệt. Với kính phẳng, đã sản xuất được các loại kính có độ dày từ 2 – 20mm.
Nguồn nguyên liệu chính như cát trắng silic, đá vôi gặp khó vì thủ tục cấp phép khai thác, một số nguyên liệu: soda, dolomit và hóa chất khác phải nhập khẩu, giá thành cao, gây nhiều khó khăn và tăng chi phí trong sản xuất.
Tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy kính xây dựng ước tính theo giá trị hiện tại khoảng 50.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm khoảng 60% tổng mức đầu tư này.
Báo cáo của Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam, giai đoạn trước năm 2022, tiêu thụ kính xây dựng khá tốt, sản lượng luôn đạt từ 80-92% sản lượng sản xuất, cao nhất năm 2021 đạt 221 triệu m2.
Nhưng từ 2022 đến nay, tiêu thụ trong nước giảm mạnh, chỉ đạt 153 triệu m2 năm 2023, giảm 33% so với 2020.
Đà giảm hiện chưa dứt. 6 tháng 2024, sản lượng tiêu thụ đạt 115 m2 QTC. Riêng các doanh nghiệp sản xuất kính siêu trắng/kính năng lượng mặt trời, sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng do thị trường trong nước và thế giới có mức tiêu thụ lớn.
Trước thực tế khó khăn của các doanh nghiệp kính xây dựng vì thiếu đầu ra, để tháo gỡ khó khăn trước mắt trong sản xuất, tiêu thụ Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam kiến nghị thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu kính xây dựng.