Những trường nào tại phía Nam tuyển sinh ngành vi mạch, bán dẫn?
Việt Nam đang cần lượng lớn nguồn nhân lực cho ngành vi mạch, bán dẫn. |
Nghiên cứu từ các chuyên gia Trường Đại học Fullbright Việt Nam, trước mắt, trong thời gian ngắn hạn là 5 năm, Việt Nam cần tới hơn 20.000 người cho ngành vi mạch, bán dẫn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu, bởi số lượng cơ sở giáo dục đào tạo ngành này chưa nhiều.
Với tốc độ và nhu cầu đòi hỏi ngày càng cấp thiết, nhiều trường đại học công lập, tư nhân đã thành lập mới khoa vi mạch bán dẫn cũng như nâng cao tiêu chí ngay trong đợt tuyển sinh năm 2024.
Đại học Quốc gia TP.HCM
Đại học Quốc gia TP.HCM được biết là đơn vị đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch với khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023-2030, Trường đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Theo đó các trường đại học thành viên chủ chốt như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa… sẽ triển khai đào tạo trên 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. Qua đó, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Đại học Quốc gia TP.HCM đã mời chuyên gia của các đại học lớn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc để giúp xây dựng chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn. Dự kiến trong năm 2024, Trường sẽ thành lập hai phòng thí nghiệm mới, có khả năng chia sẻ trong toàn hệ thống lẫn các trường đại học khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, thành lập Viện Công nghệ Bán dẫn là đơn vị đầu mối, thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, R&D trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Trường Đại học Cần Thơ
Thông qua Nghị quyết của Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã được phê duyệt chủ trương mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học, tuyển sinh và đào tạo năm 2024. Trường Đại học Cần Thơ cũng đã thông qua các kế hoạch và điều kiện mở ngành đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để chuẩn bị cho chương trình đào tạo này, Trường Bách Khoa đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Quốc lập Thành Công (National Cheng Kung University), Đài Loan để liên kết đào tạo song phương trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trường cam kết, thời gian đào tạo khi học tại đây là 4,5 năm và đạt danh hiệu cấp bằng kỹ sư khi tốt nghiệp. Tên ngành “Kỹ thuật máy tính” được ghi trên bằng tốt nghiệp, bảng điểm và quyết định tốt nghiệp. Tên chuyên ngành “Thiết kế vi mạch bán dẫn” được ghi trên bảng điểm và quyết định tốt nghiệp.
Các hình thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng, xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đại học FPT
Trường Đại học FPT cùng Công ty cổ phần Bán dẫn FPT đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
Theo đó, năm 2024, Trường Đại học FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng từ 50% cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% chương trình học cho tất cả các thí sinh.
Tháng 5/2024, Đại học FPT cũng đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm tìm kiếm, ký kết với các đối tác có nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.
Hình thức tuyển sinh:
Đại học Tư thục Quốc tế Sài Gòn
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU) cũng đã thông báo mở và tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong năm 2024.
Nhà trường đặt sự chú trọng vào việc mang đến môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại, đồng thời đảm bảo cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể tự tin và thành công trong lĩnh vực này.
SIU cam kết hoàn thành thời gian đào tạo, sinh viên sẽ có đủ kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn có nhu cầu cao về các lĩnh vực thiết kế vi mạch chuyên dùng AI và IoT phục vụ Đô thị thông minh; Thiết kế, thử nghiệm, mô phỏng vi mạch tại các vị trí của các công ty công nghệ; Quản lý dự án phát triển sản phẩm vi mạch; Tư vấn và dịch vụ kỹ thuật công nghệ vi mạch…
Được biết, chỉ tiêu tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch năm 2024 của SIU là 50 sinh viên. Điều kiện xét tuyển: điểm học bạ, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.