Niềm tin của người dân, doanh nghiệp tạo nên một Quảng Ninh giàu đẹp
Quảng Ninh ngày càng phát triển, giàu đẹp Ảnh: Thanh Tân |
Kỷ luật, đồng tâm, mạnh dạn đột phá
Quảng Ninh là vùng đất hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng. Điều này đã góp phần tạo nên cốt cách năng động, hào sảng của con người nơi đây. Không những vậy, người dân Quảng Ninh còn có truyền thống kỷ luật và đồng tâm. Bản sắc văn hóa con người Quảng Ninh cộng với những giá trị truyền thống tốt đẹp được chuyển hóa thành ý chí, quyết tâm, khát vọng mãnh liệt để phát triển, vươn lên.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua các nhiệm kỳ kế tiếp nhau, Quảng Ninh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Giờ đây, Quảng Ninh vươn mình trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
– Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh
Không phải ngẫu nhiên mà 7 năm liên tiếp, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI (2017 – 2023); 11 năm liên tiếp đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu về Chỉ số Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước – SIPAS (2019 – 2023); 6 năm dẫn đầu về Chỉ số Cải cách hành chính – PAR Index (2017 – 2020 và 2022 – 2023). Đây đều là những con số “biết nói” về một chặng đường kiên trì, nỗ lực không mệt mỏi của Quảng Ninh trong việc tạo dựng niềm tin, tạo nên sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là của người dân trong tỉnh.
Điều này cũng là minh chứng về ý chí của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trong vai trò dẫn dắt, định hướng và lan tỏa qua thời gian. Đồng hành cùng nhà đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp giờ đây đã trở thành “lẽ thường”, là bổn phận, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức tại Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: “Từ nguồn mạch tinh thần kỷ luật và đồng tâm, Quảng Ninh đã xây dựng thương hiệu trở thành điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công, gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao chất lượng cải cách hành chính – một trong 3 khâu đột phá chiến lược được đề ra tại Đại hội XI của Đảng mà tỉnh đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Từ đây, Quảng Ninh đã định hình hệ giá trị địa phương với 6 đặc trưng cơ bản: Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc”.
“Trao quyền”, nhận niềm tin
Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong “trao quyền” cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường” hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở (gọi tắt là DDCI Quảng Ninh). Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp được tham gia ý kiến, đánh giá nhằm mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành bộ máy chính quyền tỉnh.
Trong suốt thời gian qua, Quảng Ninh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, nhằm tiếp nối kết quả đạt được, nâng tầm nhiệm vụ, bám sát tình hình và cụ thể hóa các chủ trương lớn của Trung ương, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Đó là, hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công). Tỉnh cũng xác định, đây chính là khâu đột phá của sự phát triển bền vững.
Những năm gần đây, nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục đánh giá cao Quảng Ninh khi tỉnh giữ được đà cải cách. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực; các thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn; cải cách thủ tục hành chính đạt kết quả tích cực hơn. Quảng Ninh cũng tạo đột phá về tốc độ phát triển hạ tầng chiến lược; có nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng. Đồng thời, tỉnh luôn chú trọng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặt niềm tin vào bộ máy chính quyền và đánh giá cao tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh, Tập đoàn Jinko Solar, một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy tại Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư 2,6 tỷ USD, chiếm khoảng 18% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Các nhà máy này hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của Jinko Solar tại nước ngoài. Theo đại diện Jinko Solar, Quảng Ninh đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của Tập đoàn trên phạm vi toàn cầu.
Còn ông Chou I Wen, Phó tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam từng bày tỏ, sau 16 năm phát triển, đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi lựa chọn Quảng Ninh để triển khai những dự án sản xuất quan trọng. Điều này đã được Tập đoàn tính toán kỹ lưỡng dựa trên các điều kiện về tự nhiên, kinh tế – xã hội và cả năng lực điều hành, chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Đích đến của sự phát triển
Có thể thấy, những năm gần đây, Quảng Ninh tiếp tục kế thừa và phát huy thành công của các nhiệm kỳ trước, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Theo đó, cứ một đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8 – 9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nên một Quảng Ninh hiện đại, văn minh – địa phương có hệ thống đường cao tốc chạy suốt chiều dài của tỉnh, có bến tàu khách, sân bay quốc tế do tư nhân đầu tư với qui mô hàng chục ngàn tỷ đồng… Đây là những “đặc sản” của Quảng Ninh khiến các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước ngưỡng mộ.
“Thương hiệu” Quảng Ninh còn được chứng minh bằng sự hiện diện của những tên tuổi lớn trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh, như Vingroup, Sun Group, BIM Group, Tập đoàn Tuần Châu, Amata, Nakheel, ISC Corporation…
Niềm tin của nhà đầu tư đối với Quảng Ninh càng được khẳng định khi nhìn vào kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2023, Quảng Ninh thu hút 3,1 tỷ USD vốn FDI, tăng 42,3% so với năm 2022, đứng thứ 3 cả nước. Số lượng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng tăng lên cả về lượng và chất. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD.
Trong 9 năm liên tiếp (2015 – 2023), Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%. Năm 2023, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa, luôn đứng trong tốp đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng, GRDP tăng 9,02%, đứng thứ tư trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này, từng bước khẳng định vai trò động lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ năm 2011 đến nay, trên nền tảng kế thừa xuất sắc những giá trị tốt đẹp của thế hệ đi trước, tỉnh Quảng Ninh đã đưa đổi mới đi vào chiều sâu, chuyến đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần, từ 35% vào năm 2010, xuống còn 20,2% vào năm 2023.
Khai thác tốt “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc”, ngành “công nghiệp không khói” ngày càng phát huy giá trị và hiệu quả. Năm 2023, Quảng Ninh đón hơn 15 triệu lượt khách du lịch (trong đó có 2 triệu lượt khách quốc tế), tăng 33,6% so với năm 2022. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Với tiềm năng, lợi thế và những nỗ lực của ngành du lịch Quảng Ninh, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
Kinh tế – xã hội phát triển, đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trong tỉnh được cải thiện đáng kể. Quảng Ninh đã về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trước 3 năm.
Có thể thấy, đích đến cuối cùng của sự phát triển là “nhân dân được hạnh phúc” đã được minh chứng sinh động qua thực tiễn đời sống tại Quảng Ninh.
“Nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn; phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức, không gian phát triển, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới làm nền tảng phát triển bền vững. Quảng Ninh ngày càng định hình rõ nét là một địa phương rất giàu đẹp, văn minh, hiện đại và nơi đáng sống”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.