Phân phối kinh phí công đoàn: “Phương án tối ưu nhất là giao Chính phủ”
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) cho rằng, giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là phương án tối ưu.
Sáng nay (18/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo).
Trước đó, tại đợt 1 của Kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về cơ quan chủ trì soạn thảo là Tổng Liên đoàn đã có báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến này, trong đó có quy định về phân phối kinh phí công đoàn.
Về nội dung này, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Phương án 2 xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.
Báo cáo của cơ quan soạn thảo cho biết, có 14 ý kiến lựa chọn phương án 1 và đề nghị: phương thức, tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn được nêu cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành luật của Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời bổ sung thêm nguyên tắc để Chính phủ quy định chi tiết; bổ sung quy định tỷ lệ tối đa 25% cho công đoàn cấp trên và tối thiểu 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;
Có 9 ý kiến lựa chọn phương án 2 và đề nghị làm rõ cơ sở, căn cứ đề xuất tỷ lệ phân chia; nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Một số vị cho rằng, nên quy định theo hướng tối thiểu là 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và tối đa là 25% cho công đoàn cấp trên. Ý kiến khác đề nghị quy định chặt chẽ hơn các nội dung chi, quy định cụ thể cách thức phân phối kinh phí cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Giải trình, Tổng Liên đoàn nêu, Bộ luật Lao động 2019 cho phép thành lập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn ở cơ sở. Do vậy, cần đặt ra vấn đề phân phối kinh phí công đoàn giữa công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Về cơ sở đề xuất tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn 25%/75% (cấp trên/cấp cơ sở) tại phương án 2, cơ quan soạn thảo giải thích, theo quy định tại Luật Công đoàn 2012, việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp thuộc quyền tự quyết của công đoàn.
Việc Tổng Liên đoàn đề xuất “luật hóa” tỷ lệ phân chia tài chính công đoàn 25%/75% (cấp trên/cấp cơ sở) dựa trên nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và thực tiễn điều hành tài chính công đoàn trong 10 năm trở lại đây, được lấy ý kiến rộng rãi từ các cấp công đoàn, đồng thời, thảo luận dân chủ tại diễn đàn Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn.
Trước đây, tỷ lệ phân chia cho cấp cơ sở từ 68% – 69%, trên cơ sở điều chỉnh nhiệm vụ từng cấp công đoàn, với tinh thần hướng về cơ sở, từ năm 2016, mỗi năm, mức phân bổ cho công đoàn cơ sở tăng 1%, đến nay duy trì mức ổn định 75%. Tham khảo kinh nghiệm công đoàn một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, mức phân bổ cho cơ sở từ 72% – 75%.
Vẫn theo cơ quan soạn thảo, trong trường hợp ở doanh nghiệp chỉ có duy nhất tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (điểm b khoản 2), phương án 2 dự thảo Luật quy định phân phối 75% nguồn kinh phí này theo số thành viên trên số lao động. Kinh phí còn lại do công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ để chăm lo cho người lao động khác tại doanh nghiệp.
Lý do là theo Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội, đại diện, chăm lo và bảo vệ cho đoàn viên và người lao động nói chung. Trong khi đó, tổ chức của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 chỉ đại diện cho thành viên tham gia tổ chức đó. Như vậy, việc đại diện, chăm lo và bảo vệ đối với những người lao động chưa tham gia tổ chức này sẽ thuộc về trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam.
Báo cáo cũng nêu rõ, qua nghiên cứu, Tổng Liên đoàn nhận thấy, yêu cầu xác định tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để quy định ổn định, lâu dài trong Luật là rất khó khăn, không khả thi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong từng giai đoạn…, trong đó, có yếu tố chưa thể dự báo chính xác.
Hơn nữa, việc quy định một tỷ lệ xác định ngay trong Luật sẽ dẫn đến khó điều chỉnh khi bối cảnh quan hệ lao động có sự thay đổi. Trong trường hợp cần điều chỉnh tỷ lệ này sẽ phải sửa Luật, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Do vậy, Tổng Liên đoàn đề xuất lựa chọn phương án 1: giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp.
Đây là phương án tối ưu nhất, theo đó, Chính phủ chỉ quy định đối với những nơi “đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, còn những nơi khác thì vẫn giữ như hiện hành, theo cơ quan soạn thảo.