Phương án tiền lương mới từ ngày 1/7 là giải pháp “khả thi nhất, tốt nhất”
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo Quốc hội các nội dung về chính sách tiền lương. |
Chiều 25/6, Chính phủ trình Quốc hội các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024), quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025). Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội… cũng được điều chỉnh.
Đánh giá tác động của giải pháp đề xuất nêu trên, Chính phủ cho rằng, việc đề xuất cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; tăng lương (30%) và bổ sung quỹ tiền thưởng (10% lương cơ bản) của khu vực công; làm rõ cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 nêu trên là giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới).
Giải pháp này sẽ có những tác động tích cực, như khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW; khu vực công thực hiện được 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW, đồng thời thực hiện được mục tiêu tăng lương từ ngày 1/7/2024 theo yêu cầu của Đảng (Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị TW8 khóa XIII) và của Quốc hội (Nghị quyết số 104/2023/QH15);
Tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội, cụ thể là các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đó, sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
Ngoài ra, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.
Việc này tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.
Việc bổ sung quỹ tiền thưởng (bằng 10% quỹ lương cơ bản) của khu vực công tạo nguồn để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, có cơ sở để hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập như bổ sung thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao. Tiếp tục khuyến khích các địa phương đẩy mạnh thực hiện tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, việc chức theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Báo cáo của Chính phủ nêu, tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW (nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới) bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội và nguồn lực của đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở; báo cáo cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế (tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế thực hiện chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương và tăng mức lương cơ sở 30% nêu trên góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội (Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 373/BKHĐT-TCTK ngày 31/5/2024 thì GDP bình quân giai đoạn 2024 – 2026 sẽ tăng 0,21% và đạt gần 6,9%), Chính phủ đánh giá.
Phương án trên, theo Chính phủ, bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 – 2026: Theo tính toán tại Báo cáo số 487/BTC-NSNN ngày 3/6/2024 của Bộ Tài chính thì tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp luỹ kế 3 năm 2024 – 2026 tăng thêm là 913.300 tỷ đồng, Chính phủ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.
Bên cạnh tác động tích cực, Chính phủ cũng nhìn nhận hạn chế của giải pháp trên là chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI bình quân giai đoạn 2024 – 2026 sẽ tăng 0,72%.