Số phận “con tàu” Vinawaco
Không điểm sáng
Gần như không thể tìm thấy bất kỳ cải thiện nào liên quan đến hoạt động của Vinawaco nếu chiểu theo Báo cáo tài chính năm 2023 – tài liệu được lãnh đạo doanh nghiệp này trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này.
“Tình hình tài chính và kinh doanh của Tổng công ty vẫn tiếp tục lao dốc, chưa tìm thấy lối ra”, một cổ đông Vinawaco – người đã dốc gần 200 tỷ đồng để trở thành cổ đông chi phối tại đơn vị từng là “cánh chim đầu đàn” của ngành giao thông – vận tải trong lĩnh vực thi công công trình hạ tầng đường thủy và cảng biển cho biết.
Sự thất vọng của nhà đầu tư này là điều có thể thông cảm, bởi hoạt động của doanh nghiệp ngày một teo tóp, lao dốc không phanh.
Theo Báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập bởi Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính – kế toán và kiểm toán Nam Việt, tổng doanh thu của Vinawaco trong năm 2023 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng, bằng 5,7% so với kế hoạch đề ra. Tính bình quân, mỗi tháng, đơn vị từng vang bóng một thời này chỉ ghi nhận vỏn vẹn khoảng 400 triệu đồng doanh thu.
Được biết, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vinawaco đang bị âm do phần lớn tài sản cố định hữu hình của Tổng công ty đang trong tình trạng dừng hoạt động và không thể khai thác để tạo ra doanh thu. Doanh thu của Tổng công ty trong năm chỉ đến từ hoạt động cho thuê văn phòng tại số 40 – Phùng Hưng (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội).
Tiếp nối đà thua lỗ từ năm 2022, do tiếp tục làm ít đi, chi phí lại tăng, nên kết thúc năm tài chính 2023, Vinawaco phải ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp âm 6,79 tỷ đồng. Nếu tính cả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến cuối năm 2022 (âm 3,838 tỷ đồng), thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 là âm 10,627 tỷ đồng.
Không chỉ doanh thu, lợi nhuận, các chỉ tiêu tài chính phản ánh sức khỏe của Vinawaco cũng hết sức bết bát, trong đó, hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn là 1,018; các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 49,4% tổng tài sản; tổng nợ phải trả chiếm 68,01% tổng nguồn vốn; hệ số bảo toàn vốn chỉ đạt 0,96 (để bảo toàn vốn, hệ số này phải lớn hơn hoặc bằng 1).
Ngoài khoản lợi nhuận trước và sau thuế âm nêu trên, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính – kế toán và kiểm toán Nam Việt còn đưa ra một số ý kiến ngoại trừ có tác động ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của Vinawaco trong năm 2023 và những năm trước đây.
Cụ thể, Vinawaco chưa thực hiện ghi nhận chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa tài sản cố định và chi phí khác phát sinh từ các năm trước với số tiền là 100,069 tỷ đồng vào khoản mục “Giá vốn hàng bán” để xác định kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính các năm trước. Tại ngày đầu năm và cuối năm, các khoản chi phí này được trình bày trên khoản mục “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang”. Nếu thực hiện ghi nhận đúng quy định sẽ làm cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán, gồm “Chi phí xây dựng cơ bản dở dang” và “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” giảm cùng một số tiền là 100,069 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vinawaco cũng chưa trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đối với khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Nạo vét và Xây dựng đường thủy với giá trị cần trích lập dự phòng là 14,217 tỷ đồng vào khoản mục “Chi phí tài chính” để xác định kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính các năm trước. Nếu thực hiện ghi nhận đúng quy định sẽ làm cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán, gồm “Dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn” và “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” giảm đi cùng số tiền là 14,217 tỷ đồng.
Nếu 2 nội dung trên được Vinawaco phản ánh đầy đủ, thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm 31/12/2023 sẽ âm thêm 114,286 tỷ đồng (số đang ghi nhận trên báo cáo là âm 10,627 tỷ đồng). Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm 31/12/2022 của Vinawaco âm 124,914 tỷ đồng, chứ không phải âm 10,627 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia tài chính, kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2023 cho thấy, Vinawaco hoạt động rất kém hiệu quả. Nếu hạch toán, trích lập các khoản mục đầy đủ theo quy định của pháp luật, thì kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2023 của đơn vị này còn thua lỗ nặng nề hơn nữa, nguy cơ âm vốn chủ sở hữu đã cận kề.
Nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng
Điều đáng lo ngại là tình hình sản xuất – kinh doanh của Vinawaco vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, bởi từ đầu năm 2024 đến nay, Tổng công ty không ký được hợp đồng thi công xây lắp mới, doanh thu hoạt động vẫn chỉ đến từ nguồn cho thuê trụ sở làm việc.
Do không có việc làm mới, Tổng công ty đã cắt giảm lao động, cho nghỉ việc hoặc các cán bộ, nhân viên tự nguyện nghỉ việc để tìm kiếm công việc mới cho phù hợp. Số lượng người lao động làm việc tại Văn phòng Tổng công ty (tính cả Chủ tịch Vinawaco) chỉ còn lại 15 người, liên tục bị chậm lương.
Trong khi công việc không có, doanh thu không có, Vinawaco vẫn phải trang trải chi phí lãi vay bình quân khoảng 3 tỷ đồng/năm; các loại thuế phải nộp nghĩa vụ với ngân sách 10 tỷ đồng; chi phí duy trì, vận hành, bảo dưỡng, lên đà, sửa chữa, trả công cho công nhân lái máy, vận hành 9 con tàu nạo vét khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Đây là gánh nặng quá lớn trong tình hình sản xuất – kinh doanh èo uột của đơn vị. Những khoản chi phí không sớm tìm được nguồn chi trả sẽ nhanh chóng “đánh đắm” toàn bộ vốn chủ sở hữu, gây thiệt hại cho cả nhà đầu tư lẫn cổ đông Nhà nước (chiếm 36,62% vốn điều lệ Vinawaco).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, việc Vinawaco vẫn phải gánh các chi phí vận hành, sửa chữa các tàu nạo vét là do Đăng kiểm Việt Nam quy định, đối với các tàu biển dù có hoạt động hay không hoạt động đều phải sửa chữa thường xuyên và định kỳ theo hạn ngạch đăng kiểm.
Thế khó của Vinawaco là năng lực đấu thầu gần như không còn, nên rất khó tìm được các công việc nạo vét từ các dự án vốn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, do tác động của môi trường, nhất là môi trường nước biển, tàu càng để lâu không sử dụng càng nhanh bị xuống cấp, thậm chí mất an toàn ngay trong quá trình neo đậu tại cảng.
Cần phải nói thêm rằng, Vinawaco không phải là tổng công ty 90 duy nhất trong ngành giao thông – vận tải phải “ăn mày quá khứ”. Một cái tên lừng lẫy một thời khác là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty cổ phần (CIENCO1), từng có 10.000 – 11.000 lao động, doanh thu mỗi năm lên tới gần 10.000 tỷ đồng, giờ cũng rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Cả Tổng công ty chỉ còn chưa đầy một chục lao động ngồi trông sổ sách phủ bụi. Những “anh cả đỏ” giao thông khác thời hậu cổ phần hóa giờ cũng chỉ còn đóng những vai rất phụ trong các đại dự án hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025.
Sự thoái trào của các CIENCO giao thông có phần do chọn không đúng nhà đầu tư chiến lược, quản trị kém, chậm thích ứng với cơ chế mới. Riêng với Vinawaco, dù có nhà đầu tư chiến lược tâm huyết, nhưng do gánh nặng nợ nần phát sinh trước khi cổ phần hóa đã khiến hoạt động của doanh nghiệp không sao bứt lên được.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinawaco, các khoản nợ, lỗ hình thành từ giai đoạn trước cổ phần hóa liên tục “phát lộ” là nỗi ám ảnh của các cổ đông, trong đó lớn nhất là khoản công nợ trị giá 58 tỷ đồng mà Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội buộc Tổng công ty phải thanh toán cho Công ty cổ phần Đầu tư, xây dựng nạo vét đường thủy vào tháng 8/2020.
Trước đó, Vinawaco cũng nhận được “báo nợ” trị giá 53 tỷ đồng từ Vietcombank xuất phát từ việc Tổng công ty nhận bàn giao 3 con tàu vận tải từ năm 1995. Được biết, khoản nợ này được “khai quật” vào tháng 9/2016, sau khi Vinawaco nhận được thông tin có dư nợ xấu tại Vietcombank, với số tiền nợ gốc là 12,597 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 40 tỷ đồng.
Vinawaco cho biết, đơn vị này đang phải tiếp nhận xử lý khoảng 10 khoản nợ phải trả không có trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, với tổng số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Được biết, sau khi Vinawaco chính thức chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần, Bộ Giao thông – Vận tải đã triển khai thực hiện quyết toán phần vốn nhà nước để bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định.
Tuy nhiên, do tại thời điểm thực hiện quyết toán, báo cáo có một số vướng mắc tài chính phát sinh ngoài Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp cần có hướng dẫn của các bộ, ngành và cơ quan liên quan, nên đến nay, công tác quyết toán để xác định phần vốn nhà nước tại thời điểm Vinawaco chính thức chuyển sang công ty cổ phần vẫn chưa hoàn thành, chưa bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần.
Theo lãnh đạo Vinawaco, nếu hạch toán đầy đủ các khoản công nợ phát sinh sau khi chuyển đổi mô hình, thì phần vốn nhà nước tại Vinawaco có khả năng âm.
Được biết, trong thời gian vừa qua, Vinawaco đã có nhiều văn bản đề nghị các bộ, ngành quyết toán tài chính dứt điểm để bàn giao sang công ty cổ phần, nhưng đến thời điểm này, việc quyết toán vốn lần 2 vẫn đang bị treo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến định hướng phát triển của doanh nghiệp.
“Những vướng mắc này đang khiến hoạt động của Vinawaco gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng nếu không thoái kịp thời”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết.