TP.HCM tìm nguồn thay vốn ODA đầu tư metro
Vốn nhà nước vẫn là chủ đạo
Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (gọi tắt là Đề án metro) đặt mục tiêu giai đoạn I từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 871.216 tỷ đồng (tương đương 36,3 tỷ USD). Trong cơ cấu nguồn vốn, ngân sách trung ương hỗ trợ 9,75 tỷ USD; ngân sách thành phố 8,6 tỷ USD; nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách thành phố hơn 7 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có 2 nguồn rất quan trọng khác là thu từ đấu giá đất xung quanh các nhà ga (mô hình TOD) là 5 tỷ USD và nguồn từ trái phiếu địa phương 6,4 tỷ USD. Như vậy, điểm khác biệt của đề án lần này so với các đề án trước đây là việc xây dựng các tuyến metro không có sự hiện diện của nguồn vốn vay ODA.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư các tuyến metro mà phụ thuộc vào vốn vay ODA là không khả thi. Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho rằng, đầu tư metro phụ thuộc vào vốn vay ODA có những hạn chế nhất định. Dù lãi suất thấp, nhưng các chi phí khác khá cao, nếu tính chung có thể còn cao hơn cả vốn vay thương mại.
Để thay nguồn vốn ODA, việc đấu giá đất dọc các nhà ga metro và huy động vốn từ phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình là hoàn toàn khả thi. “Nếu huy động được các nguồn vốn từ huy động trái phiếu, đấu giá quỹ đất thì sẽ có một lượng vốn lớn đầu tư 183 km metro để hoàn thành vào năm 2035”, bà Trang nhấn mạnh.
Đấu giá đất dọc nhà ga metro thu về hơn 5 tỷ USD
Qua rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Thành phố hiện có 22 khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với diện tích hơn 290 ha nằm xung quanh tuyến metro 1 (Bến Thành – Suối Tiên); tuyến số metro 2 (Bến Thành – Tham Lương)… có thể phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Ngoài ra, còn có tổng cộng 357 ha đất nằm dọc các tuyến metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên); tuyến số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước); tuyến số 5 giai đoạn II (ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc mới), do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.
Như vậy, tính cả đất do Nhà nước quản lý và đất do người dân sử dụng là 647 ha. Dự tính sau khi đấu giá đất và trừ đi các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, ngân sách thành phố sẽ có khoảng 5 tỷ USD để đầu tư cho xây dựng các tuyến metro.
Số tiền từ đấu giá đất xung quanh các nhà ga metro có thể còn cao hơn, vì Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị kéo dài tuyến metro số 2 từ depot Tham Lương đến đường Vành đai 3, để tạo điều kiện khai thác hơn 2.100 ha đất dọc tuyến đường này. Riêng tại nhà ga của tuyến metro số 2 gần tiếp giáp đường Vành đai 3 (tạm gọi là nhà ga Vành đai 3), đề nghị UBND huyện Hóc Môn rà soát quỹ đất khoảng 400 ha để phát triển TOD tạo động lực phát triển cho vùng.
Nếu chỉ cần điều chỉnh quy hoạch kéo dài hướng tuyến một số tuyến metro, thì sẽ có thêm quỹ đất đấu giá, từ đó số vốn thu về để đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị sẽ nhiều hơn con số 5 tỷ USD dự tính ban đầu.
PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải Việt Đức cho rằng, mô hình phát triển TOD tạo ra các đô thị vệ tinh, giúp giải nén không gian đô thị và mật độ dân cư cho các khu vực trung tâm của Thành phố, vốn đang quá tải. Mô hình này sẽ giảm thiểu các phương tiện cá nhân, giảm thiểu các vấn đề tác động môi trường như kẹt xe, ô nhiễm, ùn tắc giao thông… vốn là vấn nạn của các siêu đô thị như TP.HCM.
Ông Tuấn đánh giá, giải pháp huy động vốn từ đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành các loại trái phiếu như trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu quốc tế là hoàn toàn khả thi. “Những nguồn vốn này hoàn toàn có thể dùng để phát triển đường sắt đô thị, vì Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho TP.HCM hành lang cơ chế, hoàn toàn có thể triển khai được”, ông Tuấn phân tích.