6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng tăng trưởng 10,32%, đứng thứ 5 cả nước
Thông tin tại cuộc Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra sáng nay (28/6), ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng Sông Hồng.
Một số chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như sản xuất công nghiệp, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn… Các hoạt động du lịch, dịch vụ phục hồi rõ nét; các chính sách an sinh, xã hội phát huy hiệu quả.
Ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng thông tin tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 |
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 10,32% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch năm 2024 tăng 11,50% – 12%).
6 tháng đầu năm 2024, Hải Phòng tăng trưởng 10,32%. Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng |
Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,86%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,76%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,54%, đóng góp 3,25 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,77%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm.
Những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn khởi sắc và đạt được kết quả tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 13,31%, quý II tăng 17,12%). Trong đó ngành chế biến chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 15,59%, đóng góp 14,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,28%, là mức tăng tích cực sau các năm 2021-2023 tăng trưởng âm, đóng góp 0,67 điểm phần trăm trong mức tăng chung toàn ngành.
Trong đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm đạt mức tăng trưởng cao như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 20,87%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,4 %; sản xuất thiết bị điện tăng 14,38 %; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,09%;… ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 17,31%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, kích cầu tiêu dùng, hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải tiếp tục được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 8,54% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 6 cả nước. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm kinh tế thành phố như sau: ngành thương mại tăng 10,3%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,51%, đóng góp 1,88 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 9,58%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,66%, đóng góp 0,13 điểm phần trăm; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 8,68%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm…
Về cơ cấu kinh tế trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 3,7%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 50,49%; khu vực dịch vụ chiếm 40,06%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,75%.
Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 15,24%. Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng |
Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 15,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 5,99%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,59%, đóng góp 14,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 9,28%, đóng góp 0,67 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,60%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,98% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: sản xuất thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh tăng 242,08%; sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép tăng 109,03%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 75,52%..
Các hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực từ năm 2023, trong đó một số ngành tăng cao so cùng kỳ, đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của thành phố như: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,46% kỳ; tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 4,27 triệu lượt, tăng 16,25%; doanh thu vận tải hành khách tăng 25%, sản lượng hàng qua cảng tăng 11,64%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 4,27 triệu lượt, tăng 16,25% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 502,6 nghìn lượt, tăng 1,91% so với cùng kỳ.
Hải Phòng họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2024 |
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn Thành phố đạt 77,5 triệu TTQ, tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khối cảng thuộc kinh tế Nhà nước đạt 26,191 triệu TTQ tăng 5,8% so với cùng kỳ; Các cảng thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 51,309 tăng 14,87% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố Hải Phòng tiếp tục là địa phương bứt phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư, nhiều dự án được đăng ký đầu tư mới, mở rộng với số vốn hơn 1,1 tỷ USD, đây là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tính lũy kế đến 20/6/2024, Hải Phòng có 970 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 30,47 tỷ USD.Trong đó, trong khu công nghiệp, khu kinh tế: 561 dự án, vốn đầu tư 26,78 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế: 409 dự án, vốn đầu tư 3,69 tỷ USD.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng |
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn Thành phố theo giá hiện hành ước đạt 90.530 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm trước, nhiều dự án khởi công mới đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đi vào triển khai; các dự án lớn, công trình trọng điểm được đẩy mạnh tiến độ thực hiện trong quý II/2024. Trong đó, khu vực vốn nhà nước có mức tăng cao nhất, tăng 11,68%, chiếm cơ cấu 11,03%; khu vực ngoài nhà nước tăng 10,80% so với cùng kỳ, chiếm cơ cấu 33,36%; khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,70%, đây là khu vực có đóng góp nhiều nhất trong mức tăng trưởng chung với cơ cấu chiếm 55,61%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 62.716,4 tỷ đồng, đạt 58,74% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 138,99% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa đạt 30.761,3 tỷ đồng, đạt 68,36% Dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 206,12% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 31.011,4 tỷ đồng, đạt 51,69% dự toán và bằng 107,56% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 2.314,9 tỷ đồng. Ước 6 tháng/2024 tổng chi ngân sách địa phương đạt 12.140,3 tỷ đồng, đạt 30,53% dự toán và bằng 82,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 5.582,9 tỷ đồng, đạt 27,8% dự toán và bằng 63,37% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên đạt 6.393,5 tỷ đồng, đạt 39,77% dự toán và bằng 110,37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước thực hiện đến 30/6/2024 đạt 337.082 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cùng kỳ năm trước.