1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Các tỉnh Đông Nam bộ chọn dự án FDI nhỏ, nhưng chất lượng
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Các tỉnh Đông Nam bộ chọn dự án FDI nhỏ, nhưng chất lượng

Tại các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đầu tư lớn không nhiều, song dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường ngày càng tăng.

Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu cả nước

Trong 5 tháng đầu năm 2024, các tỉnh Đông Nam bộ liên tục trao giấy phép đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm, thu hút được hơn 1,5 tỷ USD, vượt con số của cả năm 2023 (1,4 tỷ USD), dẫn đầu cả nước.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, các dự án được trao giấy phép đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu hồi tháng 3/2024 có vốn đầu tư khá lớn. Trong đó phải kể đến Dự án sản xuất Bio-based (1,4 Butanediol) BDO của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II với vốn đầu tư 730 triệu USD.

Ngoài ra, Dự án Nhà máy Electronic Tripod của Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, vốn đầu tư 250 triệu USD; Dự án thiết bị đầu cuối thông minh BOE, giai đoạn II của Công ty TNHH Điện tử – Nghe nhìn BOE Việt Nam vốn đầu tư hơn 277 triệu USD…

Trong khi Bà Rịa – Vũng Tàu bứt tốc, thì Bình Dương, TP.HCM có phần chững lại, khi vốn FDI trong 5 tháng đầu năm giảm khá sâu. Theo số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, trong 5 tháng, tính chung cả dự án cấp mới, điều chỉnh tăng vốn, góp vốn mua cổ phần, Thành phố thu hút được 948 triệu USD, giảm 17,1 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Một điều đáng chú ý là, số dự án cấp mới tăng, nhưng số vốn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Số dự án cấp mới là 464 dự án, tăng 24%, nhưng vốn đăng ký chỉ gần 154 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, vốn FDI rót vào TP.HCM trong những tháng đầu năm 2024 chủ yếu là những dự án quy mô nhỏ, thiếu vắng các dự án lớn.

Ngoài ra, thu hút FDI vào TP.HCM chủ yếu là ở các thương vụ mua bán cổ phần và góp vốn đầu tư. Trong 5 tháng đầu năm, riêng góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 823 trường hợp, với tổng vốn đăng ký 707 triệu USD, dù giảm 1,6% về số trường hợp, nhưng tăng 30,7% về vốn so với cùng kỳ.

Tương tự, Bình Dương chỉ thu hút được 341,5 triệu USD vốn FDI trong 5 tháng đầu năm, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Mặc dù có một số dự án lớn vừa khởi công như Dự án Nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu USD của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) tại Khu công nghiệp VSIP III, nhưng đây là dự án đã được cấp phép năm 2023, đến nay mới khởi công xây dựng.

Một điểm sáng trong thu hút FDI vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai. Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI vào các khu công nghiệp của tỉnh đạt 834 triệu USD, vượt 19% kế hoạch năm 2024.

Dự án công nghệ cao ngày một tăng

Một điểm chung dễ nhận thấy là, các dự án FDI mà các địa phương Đông Nam bộ thu hút trong 5 tháng đầu năm là những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường.

Cụ thể, những dự án đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc lĩnh vực sinh học, điện tử công nghệ cao, nên phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Các dự án vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai chủ yếu là các dự án có quy mô vốn nhỏ và trung bình, nhưng đều đáp ứng được các tiêu chí mà địa phương đưa ra là sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án vừa được tỉnh này trao giấy phép đầu tư chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo… và không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.

Các dự án được cấp mới đều đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến như Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics cùng thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD. Dự án chuyên sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học ứng dụng trong lĩnh vực điện tử công nghệ cao.

Việc các dự án đổ dồn về Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu thời gian qua là điều dễ hiểu, vì 2 địa phương này đang có lợi thế rất lớn về hạ tầng sân bay và cảng biển. Trong khi Đồng Nai có Sân bay quốc tế Long Thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2026, thì Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu có thể đón được các tàu chở hàng lớn đi khắp các châu lục.

 

4 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud