1. Home
  2. Kinh tế - Tài chính
  3. Doanh nhân Trần Thái Do: Kiên trì lựa chọn lối đi xanh
Phạm Nguyễn 5 tháng trước

Doanh nhân Trần Thái Do: Kiên trì lựa chọn lối đi xanh

Đầu tư du lịch xanh là con đường đầy khó khăn, nhưng doanh nhân Trần Thái Do vẫn quyết dấn thân với việc tạo nên một khu nghỉ dưỡng không còn rác thải nhựa.
Doanh nhân Trần Thái Do.

Con đường khó

Năm 2023, Silk Sense Hoi An River Resort (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) tạo nên một sự kiện gây sốc đối với ngành du lịch, khi công bố đây là “khách sạn không có rác thải nhựa thải ra môi trường và không có đồ nhựa dùng một lần”.

Một resort đầu tiên ở thủ phủ du lịch Quảng Nam, cũng như trên cả nước tuyên bố không còn rác thải nhựa, đó là thông tin gây không ít hoài nghi, bởi hoạt động du lịch không thể nào tránh khỏi phát sinh rác thải nhựa. Trên thế giới, việc kiểm soát và loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi hoạt động du lịch vẫn chưa khả dĩ. Thế mà Silk Sense Hoi An River Resort lại tự tin khẳng định làm được.

“Từ khi công bố là khách sạn không còn rác thải nhựa, tôi lo lắm. Sợ rằng, nếu kiểm soát không tốt, chỉ một cái rác nhựa được thải ra từ khách sạn thì những tuyên bố và mục tiêu của mình bị phá sản, không ai tin nữa”, doanh nhân Trần Thái Do, Tổng giám đốc Công ty TNHH Á Đông Silk, chủ đầu tư Silk Sense Hoi An River Resort mở đầu câu chuyện.

Ông tâm sự, công bố khách sạn không rác thải nhựa là bởi đến thời điểm thích hợp, chứ chẳng hề ngẫu hứng hay làm theo phong trào.  Ông đã ấp ủ, theo đuổi dự án này ngay từ ngày đầu một cách quyết tâm.

Năm 2016, khi du lịch ở Hội An đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, cũng là lúc ông Do đặt những viên gạch đầu tiên để xây Silk Sense Hoi An River Resort. Trong khi nhiều dự án sẽ tận dụng tối đa mật độ xây dựng để có thể sớm thu hồi vốn đầu tư, thì khu nghỉ dưỡng này được xây dựng với mật độ thấp nhất, chỉ chiếm 30% diện tích, phần lớn còn lại dành cho không gian xanh. Không những thế, ông Do cũng quyết định sử dụng gạch bê tông khí chưng áp (AAC) – vật liệu thân thiện môi trường để xây dựng toàn bộ công trình. Ngoài ra, sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm biến tần và dùng hơi nóng của điều hòa để làm ra nước nóng phục vụ du khách. Từ hồ bơi muối khoáng, chai nước Kangen, tạo vườn rau hữu cơ trong khu nghỉ dưỡng, đến các vật dụng cá nhân nhỏ nhất trong từng căn phòng cũng sử dụng sản phẩm làm từ tre và gỗ, tất cả đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường.

“Gạch bê tông khí chưng áp tôi phải mua từ Hà Nội về, đắt gấp đôi vật liệu thường. Còn hệ thống điều hòa, tôi qua Singapore tìm hiểu, thấy hay quá nên quyết định đầu tư, lúc đó ở Việt Nam chưa ai sử dụng hệ thống điều hòa này. Hệ thống này càng đông khách dùng thì càng tiết kiệm điện. Xây dựng như thế mất nhiều vốn đầu tư hơn, lợi nhuận thấp hơn, chưa ai xây dựng một khách sạn như vậy”, ông Do chia sẻ.

Quả thật, không có nhiều nhà đầu tư lựa chọn xây dựng dự án như thế, bởi sẽ tốn kém và đầy bất trắc, hiệu quả kinh doanh ra sao còn chưa rõ. Thế nhưng, với ý chí kiên định về du lịch xanh, ông Trần Thái Do vẫn quyết tâm hoàn thành dự án của cuộc đời mình. “Tôi là người Hội An, muốn kiến tạo một sản phẩm đặc sắc cho phố cổ. Tôi luôn tin rằng, phải xanh và bền vững mới tạo được giá trị”, ông Do nói về động lực hoàn thành dự án.

Để loại bỏ rác thải nhựa trong quá trình khách lưu trú, ông Do ký hợp đồng với Công ty môi trường Tam Kỳ để xử lý; yêu cầu nhân viên không được sử dụng các đồ nhựa dùng một lần. Một thư ngỏ được đặt trang trọng trong mỗi phòng khách sạn để cảm ơn khách hàng đã đồng hành cùng Silk Sense Hoi An River Resort trong chương trình “Khách sạn không rác thải nhựa”. Với rác hữu cơ, Silk Sense Hoi An River Resort hợp tác cùng Công ty Auto Tech thử nghiệm máy xử lý rác hữu cơ làm phân bón compost cho vườn rau. Hàng ngày, nhân viên trong khách sạn báo cáo chi tiết từng kg rác phát sinh trong khách sạn…

Đó là cách ông Do kiểm soát rác thải nhựa. Nếu ngày nào số rác thải nhựa phát thải bằng “0”, thì vị doanh nhân này xem đó là ngày thắng lợi.

Luôn theo đuổi giá trị xanh

Kể chuyện những ngày đầu xây dựng thương hiệu cho du lịch phố cổ Hội An, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An bảo, đó là hành trình dài và không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Còn nhớ, lần đầu tiên Hội An tổ chức Đêm hội phố cổ, du khách đến rất đông, nhưng sau đó rác thải tràn ngập. Chính quyền Thành phố phải vào cuộc quyết liệt, tổ chức nhiều chương trình để thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, cũng chính là bảo vệ di sản phố cổ. “Trong những hoạt động đó, luôn có sự tham gia của anh Trần Thái Do”, ông Sự kể.

Trong khu vực khách sạn, doanh nhân Trần Thái Do cho đặt hàng loạt chiếc ly nhựa, trong đó trồng nhiều loại rau khác nhau và cả những bông hoa nhỏ xinh xắn. Ông cho thu gom ly nhựa từ các quán trà sữa ở khắp Hội An, rồi tái chế thành những chiếc chậu nhỏ, thêm đất, trồng rau và hoa.

“Những chiếc ly nhựa chỉ sử dụng một lần, rồi bị vứt bỏ, không chỉ lãng phí, mà còn tạo nên lượng lớn rác nhựa thải ra môi trường. Tôi thu gom lại để làm chậu trồng rau, người dân có thể đến lấy rau mang về nhà sử dụng. Như vậy, vòng đời của những chiếc ly nhựa sẽ được kéo dài với nhiều rau xanh được trồng”, ông Do chia sẻ. 

Sinh ra và lớn lên tại Hội An, ông Do có một tình yêu sâu đậm với mảnh đất này. Ông khởi sự kinh doanh với ngành may đo – nghề có truyền thống lâu đời ở thương cảng Hội An xưa. Từ năm 2009, khi TP. Hội An phát động chương trình “Ngày không túi ni lông”, ông Do cùng nhân viên may hơn 3.000 túi vải, phát miễn phí cho người dân.

Rồi khi đảo Cù Lao Chàm báo động vấn nạn rác thải, ông Do cũng mua hàng ngàn giỏ xách đi chợ tặng cho người dân xã đảo. “Chính quyền Hội An làm quyết liệt lắm, cho lực lượng đứng gác liên tục trong nhiều ngày, yêu cầu người dân phải mang giỏ đi chợ. Nhờ thế mà thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, để Cù Lao Chàm trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam như hôm nay”, ông Do nói.

Du lịch xanh và bền vững là lựa chọn xuyên suốt của doanh nhân Trần Thái Do, bởi ông tin như vậy mới tạo được giá trị cạnh tranh cho sản phẩm du lịch. Khu nghỉ dưỡng không rác thải nhựa là một minh chứng. Đại dịch Covid-19 là một phép thử đối với “giá trị xanh” mà doanh nhân Trần Thái Do theo đuổi, khi khu nghỉ dưỡng liên tục gặp áp lực tài chính. Thời điểm ấy, giám đốc người nước ngoài được thuê để điều hành khách sạn đề xuất sử dụng đồ nhựa để tiết giảm chi phí. Khi nghe ý kiến này, ông quyết định không thuê người này nữa.

“Phải luôn theo đuổi giá trị đã lựa chọn. Du lịch xanh và bền vững là con đường khó và chông gai. Khó nhưng chắc chắn sẽ làm được, với sự kiên trì và giải pháp thích hợp. Nếu chúng ta không bảo vệ môi trường thì không có lợi thế cạnh tranh.  Rồi đây du lịch xanh chắc chắn sẽ thành xu hướng tất yếu, tạo ra giá trị lớn”, CEO Trần Thái Do có niềm tin sâu sắc với dự án của mình.

Du lịch đã phục hồi, phố cổ Hội An dần lấy lại hình ảnh tấp nập quen thuộc. Khu du lịch không rác thải nhựa đã trở thành lựa chọn của dòng khách cao cấp khi đến với Hội An. Họ sẵn lòng góp kinh phí để cùng khách sạn xử lý rác phát sinh. Có thể nói, doanh nhân Trần Thái Do đã khởi xướng xu hướng du lịch xanh và bền vững – một mục tiêu quan trọng mà du lịch Việt Nam đang hướng đến.

 

4 lượt xem | 0 bình luận

Avatar

Cloud