- Home
- Kinh tế - Tài chính
- Cổ phiếu bảo hiểm bứt phá, VN-Index tiếp tục tăng điểm trong phiên 20/5
Cổ phiếu bảo hiểm bứt phá, VN-Index tiếp tục tăng điểm trong phiên 20/5
Sau khi tiếp cận vùng tranh chấp mạnh 1.276-1.281 điểm tuần trước, bước sang phiên giao dịch đầu tuần (20/5), diễn biến chỉ số chung khá tích cực khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra tương đối tốt. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tăng giá và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, tương tự như các phiên trước, lực cầu vẫn khá e dè ở vùng giá cao nên đà tăng của các chỉ số ngay lập tức bị thu hẹp lại. Áp lực bán đôi lúc có phần gia tăng và khiến thị trường có những nhịp chùng xuống. Dù vậy, mỗi khi thị trường chùng xuống lại có một số cổ phiếu nhận được dòng tiền mạnh và tạo hiệu ứng lan tỏa giúp sự hồi phục quay trở lại. Nhìn chung, các chỉ số đều biến động trong sắc xanh xuyên suốt phiên hôm nay dù mức tăng không quá mạnh.
Tâm điểm của thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu bảo hiểm khi các mã như BVH, BMI, MIG… đều bứt phá. Trong đó, MIG được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh đột biến 1,2 triệu đơn vị.
Thông tin Nhà nước sẽ thoái vốn nhiều doanh nghiệp trên sàn được đưa ra mới đây cũng giúp một số cổ phiếu hưởng lợi, trong đó, NTP được kéo lên mức giá trần 47.000 đồng/cp, VGV tăng 8%, HGM tăng kịch biên độ 10%. Tuy nhiên, dù cũng nằm trong danh sách thoái vốn nhưng FPT vấp phải áp lực chốt lời và điều chỉnh giảm 1,12%, trước đó, cổ phiếu này đã có khoảng thời gian tăng ấn tượng. FPT cũng là mã gây áp lực lớn nhất đến VN-Index ở phiên hôm nay khi lấy đi của chỉ số này 0,46 điểm.
Trong nhóm VN30, sắc xanh vẫn có phần áp đảo hơn nhưng áp lực từ những cái tên như FPT, VHM, VJC hay VNM là tương đối lớn nên phần nào kìm hãm đáng kể đà đi lên của thị trường chung. VHM giảm 0,1%, VJC giảm đến 2,4%, VNM giảm 0,9%…
BCM đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index |
Ở chiều ngược lại, BCM tăng kịch trần lên 62.900 đồng/cp và đóng góp 1,04 điểm cho VN-Index. Đà tăng của BCM đến từ việc Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 426 phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – Mã CK: BCM) đến năm 2025. Theo quyết định, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, tức sẽ thoái hơn 30% cổ phần ông lớn khu công nghiệp này.
Nhiều gương mặt như VPB, HPG, HDB, BID hay MSN cũng tăng giá tốt và góp phần giữ vững sắc xanh của VN-Index. VPB tăng đến 2,1% và đóng góp 0,77 điểm cho VN-Index. Giá cổ phiếu VPB biến động tốt trong thời gian gần đây do sắp đến ngày chốt quyền trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%.
Một số cổ phiếu đáng chú ý trong phiên hôm nay có LPB và TCH. Hai mã này ngay từ đầu phiên bật tăng mạnh nhưng sau đó vấp phải áp lực chốt lời khá rát và đều xóa bỏ toàn bộ những thành quả đã làm. Cụ thể, LPB chốt phiên giảm 0,9% còn TCH lùi về mức giá tham chiếu 19.000 đồng/cp dù có lúc vọt lên mức 20.150 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu chăn nuôi liên quan đến giá lợn vẫn có những diễn biến tích cực như MML tăng trần, DBC tăng 3,44%, BAF tăng 1,8%…
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,47 điểm (0,35%) lên 1.277,58 điểm. Toàn sàn có 264 mã tăng, 174 mã giảm và 69 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,03 điểm (0,43%) lên 242,57 điểm. Toàn sàn có 103 mã tăng, 91 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (0,49%) lên 93,53 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE 1,16 tỷ cổ phiếu, trị giá 27.679 tỷ đồng, tăng 20% về so với phiên cuối tuần trước ngày, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4.304 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 2.114 tỷ đồng và 1.058 tỷ đồng.
Cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất phiên hôm nay thuộc về HPG với 46,5 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, SHB và EVF khớp lệnh lần lượt 36,3 triệu đơn vị và 36 triệu đơn vị.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh |
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 820 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tương tự, dòng vốn này cũng bán ròng 55 tỷ đồng trên HNX và 140 tỷ đồng ở UPCoM.
VHM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với 205 tỷ đồng. VNM và MWG bị bán ròng lần lượt 152 tỷ đồng và 106 tỷ đồng. Trong khi đó, DBC được mua ròng mạnh nhất với 165 tỷ đồng. EIB đứng sau với giá trị mua ròn 45 tỷ đồng.