Hà Nội có thêm 8 cụm công nghiệp vào quy hoạch
Theo Sở Công thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2024, trong công tác quản lý nhà nước về cụm công nghiệp, đơn vị này đã phối hợp UBND các huyện thực hiện thủ tục bổ sung 8 cụm công nghiệp vào Quy hoạch cụm công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp đã được khởi công lên 24 trong tổng số 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020.
Phối cảnh Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ mới được khởi công đầu tháng 3/2024. |
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, về công tác quy hoạch Hà Nội đã cơ bản làm xong phương án phát triển ngành trong lĩnh vực thương mại, điện, xăng dầu, logistics, cụm công nghiệp, công nghiệp. Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp quốc gia đã thông qua, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang trình Quốc hội.
Mặc dù vậy, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Sở Công thương Hà Nội vẫn nhận được đề xuất của các quận, huyện về điều chỉnh một số cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại. Vấn đề này, Sở Công thương Hà Nội đã có báo cáo TP. Hà Nội và chuyển sang các viện chức năng để có phương án cập nhật vào quy hoạch chung của Thủ đô.
Đối với việc nâng cấp phát triển hệ thống chợ truyền thống, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Đến nay, TP. Hà Nội có 6 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng, 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong quý II/2024; 3 chợ đang thi công xây dựng, giải phóng mặt bằng 5 chợ, 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025.
Bên cạnh việc đầu tư xây mới, ngành công thương Hà Nội đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp 18 chợ, 6 chợ đang trong giai đoạn thi công; 6 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 9 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025.
Tuy nhiên, khi xây mới hoặc cải tạo hệ thống chợ tại những chợ đã có sẵn gặp khó khăn vì theo quy định khi xây dựng mới lại chỉ được 60% mật độ, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Điều này khiến việc bố trí 100% tiểu thương được phép kinh doanh tại tầng 1 là không khả thi, khó có trên 50% tiểu thương không đồng thuận việc xây dựng mới hệ thống chợ truyền thống.
Về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: thời gian tới đơn vị và các quận huyện tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chợ trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2024 của UBND TP. Hà Nội và các Chương trình số 03-CTr/TU và 04-CTr/TU của Thành ủy.
Đồng thời xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn qua đó giải quyết các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến hệ thống chợ trên địa bàn. “Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, triển khai công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo quy định đối với dự án xây dựng Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội”, bà Phương Lan nhấn mạnh.